Campuchia làm gạo bền vững, phối hợp chặt chẽ

Cuối tháng 11 vừa qua, GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam đã cùng đoàn công tác của tỉnh Sóc Trăng sang Campuchia học hỏi cách xây dựng thương hiệu lúa gạo.

Ngày 5/1, chia sẻ với Đất Việt, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, chuyến đi 2 ngày đã giúp ông rút ra được nhiều kinh nghiệm cho ngành sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, nhất là quá trình xây dựng thương hiệu gạo chất lượng ngon, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chuyên gia hàng đầu về lúa gạo của Việt Nam chia sẻ đã gặp trực tiếp một số doanh nghiệp Campuchia cũng như các nhà tài trợ quốc tế cho nước này mang gạo quảng bá, tham dự hội thảo quốc tế, giới thiệu sản phẩm.

Đánh giá về cách Campuchia trồng và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, GS Võ Tòng Xuân khẳng định, họ đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan từ Chính phủ đến các doanh nghiệp và người dân.

 

Campuchia xây dựng thương hiệu gạo bền vững, đạt được nhiều kết quả cao trong khi Việt Nam vẫn đang trì trệ và chưa đơợc quan tâm đúng mức.


Ở đây, hội đồng tối cao về kinh tế của Campuchia điều khiển, phối hợp các cơ quan tài trợ quốc tế để cùng nhau hoàn thành 1 mục đích: đó là làm thế nào để Campuchia có thương hiệu gạo một cách nhanh chóng. Để làm được điều này, phía Campuchia đã chia ra thành những nhóm nhỏ, với các chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau.Campuchia xây dựng thương hiệu gạo bền vững, đạt được nhiều kết quả cao trong khi Việt Nam vẫn đang trì trệ và chưa đơợc quan tâm đúng mức.

“Trước hết 1 nhóm làm việc với trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp của Campuchia, một nhóm làm với liên đoàn các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân. Một nhóm khác làm việc với 1 số doanh nghiệp có tâm huyết về làm gạo thương hiệu Campuchia. Họ phối hợp với nhau rất chặt chẽ.

Đầu tiên Campuchia chọn các giống gạo ngon, thơm cổ truyền của nước này, chẳng hạn như gạo Phka Malis. Khi xác định được giống rồi thì mới tổ chức nông dân trồng trên diện rộng.

Một mặt ngân hàng thế giới cho 1 số doanh nghiệp Campuchia vay vốn để chỉnh trang, cải tiến lại máy móc thiết bị hoặc xây dựng nhà máy mới để chế biến từ lúa ra hạt gạo tốt nhất. Khi làm như vậy thì Campuchia phối hợp rất nhịp nhàng giữa nông dân với nhà máy.

Do Campuchia chỉ bán lúa có 2 giống, thời gian trồng lúa kéo dài đến 5,5 tháng và chỉ làm 1 vụ lúa nên chất lượng gạo ngon, không bị trộn lẫn nhiều loại như phía Việt Nam”, GS Xuân chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, sau khi thu hoạch xong thì máy móc, thiết bị của của Campuchia cũng rất tối tân. Họ sấy đúng theo đúng nguyên tắc nên đạt được hiệu quả cao. Sau khi xay ra thì tỷ lệ xay chà của Campuchia đạt 60/100. Trong khi đó Việt Nam làm theo kiểu phơi ngoài đường nên tỷ lệ của chúng ta thấp hơn, chỉ dưới 50/100.

“Khi hoàn thành công đoạn trên, đưa vào bao đóng gói, các nhà tài trợ quốc tế sẽ tài trợ cho doanh nghiệp Campuchia đưa gạo đi tham dự hội chợ quốc tế, nhất là hội chợ tại Thái Lan cũng như các cuộc thi đấu xảo gạo với các quốc gia khác. Trong suốt 3 năm liền, Campuchia đạt được giải nhất gạo ngon nhất.

Họ làm đúng theo chuỗi tiêu chuẩn từ tuyển chọn ra giống lúa, xác định được giống thì tổ chức nhân giống, tổ chức xây dựng nhà máy hoặc cải tiến nhà máy. Ra được gạo ngon đăng ký thương hiệu rồi đưa ra thương trường qua các hội chợ quốc tế và hội nghị quốc tế”, GS Xuân nhấn mạnh.

Nghịch lý gạo Việt Nam

Nhìn lại cách làm của gạo Việt Nam thời gian qua, GS Võ Tòng Xuân cho biết, chúng ta chủ yếu chạy theo số lượng, thời gian canh tác lúa nhanh mà bỏ quên đi chất lượng thơm, ngon của các giống lúa gạo.

Theo vị chuyên gia, Campuchia không cần năng suất cao, không cần giống lúa ngắn ngày mà chỉ quan tâm đến chất lượng của hạt gạo sau khi say sát. Họ chọn giống trên tiêu chí thơm, ngon, hạt dài và không cần biết giống đó dài ngày hay ngắn ngày.

“Năng suất gạo của Campuchia chỉ từ 3,2 -3,5 tấn/ha và kéo dài trong 5,5 tháng. Họ làm có 1 vụ trong năm nên gạo chất lượng tuyệt vời.

Trong khi Việt Nam năng suất dưới 5-6 tấn/ha, canh tác từ 5-6 tháng thì nông dân không chịu. Người dân muốn gạo phải đạt năng suất từ  5-6 tấn/ha trở lên, lúa chỉ trồng từ 90 ngày -100 ngày rồi thu hoạch. Gạo chúng ta ngắn ngày, năng suất cao và trong 1 năm làm được nhiều vụ. Còn vấn đề thơm ngon thì chúng ta xếp kém hơn yếu tố ngắn ngày và năng suất cao.

Do đó dù số lượng lớn, trồng nhiều vụ nhưng gạo Việt Nam chất lượng kém, sản phẩm xuất khẩu có giá trị thấp”, GS Xuân trải lòng.

Về cách xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam, chuyên gia nông học chia sẻ, việc này của chúng ta chưa ngã ngũ và không được quan tâm một cách đúng mức từ các ban, ngành.

“Thủ tướng đã có văn bản về xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhưng Bộ NN-PTNT lại giao cho bên Vinafood. Vinafood làm chương trình lớn nhưng theo tôi rất khó để thực hiện thành công.

Họ làm chia ra nhiều khâu, mấy tổ chức của nhà nước cùng tham gia. Ngoài các giống lúa trong nước, họ còn chọn mấy giống lúa của nước ngoài, trong đó có lúa của Mỹ. Tuyển chọn ra thì nhiêu khê, từ việc sưu tập, tổ chức trồng ra để đánh giá qua rất nhiều khâu mà chúng ta cũng khó có thể theo dõi được. Hơn nữa sắp tới Việt Nam gia nhập tổ chức TPP hoặc trong nội bộ khối ASEAN thì vấn đề xuất xứ lúa gạo sẽ hết sức được chú trọng. Đó là cách làm không hay”, ông Xuân lo ngại.

Việt Nam phải thay đổi

Từ chuyến thăm, học hỏi kinh nghiệm tại Campuchia, chuyên gia nông học hàng đầu Việt Nam khẳng định đã đến lúc các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp, người nông dân phải thay đổi tư duy và cách trồng lúa mang tính bền vững.

Với nhiều năm nghiên cứu, GS Tòng Xuân khẳng định, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có khả năng để tuyển chọn và lai tạo ra các giống lúa có chất lượng tốt, đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu.

Do đó vị chuyên gia đề nghị, thay vì hướng đến các giống gạo có xuất xứ từ nước ngoài như Vinafood đã làm, Việt Nam nên chọn các giống lúa địa phương có chất lượng tốt hay giống lúa đã lai tạo thành công thời gian qua để tuyển chọn.

“Ở miền Bắc có một số giống lúa địa phương chất lượng tốt như gạo tám xoan (Nam Định) hoặc 1 vài giống khác đang cần tuyển. Chúng ta lấy mấy giống này so với nhau ở miền Bắc. Ở miền Nam cũng làm tương tự như vậy.

Trước hết, chúng ta thử về chất lượng của các giống này. Rồi sau đó xét đến năng suất để tìm ra được các giống lúa dù chưa được xem là cổ truyền nhưng có vị ngon và có năng suất khá. Từ tuyển chọn trên, chúng ta chọn ra một giống và một nhóm đặc sản để nhân giống.

Thứ hai, lấy trong số những giống mà chúng ta lai tạo ở trong nước rồi lựa chọn ra 1 số giống nhất định. Cũng cách làm tương tự, so sánh về năng suất, dạng hạt gạo trắng, trong, hạt dài (mặc dù không thơm) để ra giống thứ hai.

Nhóm thứ ba là gạo nếp chúng ta cũng làm như vậy. Nếu tiến hành cách làm thế như thế thì sẽ rất nhanh, chính xác giống nào đạt chất lượng. Từ đó Bộ NN-PTNT khuyến cáo người dân các nơi chỉ làm 3 giống đó thay vì làm 20, 30 giống không biết đường nào mà lần như trước kia”, GS Tòng Xuân chia sẻ.

Sau khi đã chọn được giống lúa đạt chất lượng tốt, Việt Nam cũng cần chú ý đến thị trường xuất khẩu. Thay vì tập trung vào các thị trường cao cấp, kén chọn như trước đây, Việt Nam nên hướng đến thị trường phổ thông, ít tiền như châu Phi, 1 số nước ở Trung Đông, Nam Mỹ, Indonesia hay Philippines.

“Những nước này không cần gạo thơm. Nếu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, rất ít. Bởi lẽ đa số các quốc gia trên không có tài chính để mua gạo đắt tiền. Thành ra chúng ta nhắm vào thị trường của những người có thu nhập thấp sẽ tốt hơn. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta sao lãng vấn đề chất lượng. Ở đây không phải chuyện thơm mà cần phải tạo ra hạt gạo dài, trắng trong, cầm lên thấy hài lòng”, GS Xuân chỉ rõ.

Sau công đoạn chọn giống lúa tốt và xác định thị trường xuất khẩu, vị chuyên gia cho rằng Bộ NN-PTNT cần phải có những quy định chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người nông dân.  Theo ông, chúng ta có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo nhưng thời gian qua hoạt động theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không theo các quy định, quy tắc nào.

Đặc biệt, doanh nghiệp thường mua gạo qua thương lái mà không có vùng nguyên liệu. Từ đó không biết gạo xuất xứ từ đâu, ai làm? Sau khi thu gom được các giống gạo thì doanh nghiệp sẵn trộn lẫn vào với nhau thành ra chúng ta không bao giờ có thương hiệu gạo.

“Giờ nếu triển khai thì doanh nghiệp phải đăng ký thành lập vùng nguyên liệu. Rồi sau đó có sự phối hợp chặt chẽ với người nông dân từ giống, kỹ thuật canh tác, phân bón. Phải theo dõi, đôn đốc để đảm bảo sản xuất 1 giống lúa rồi tạo ra thương hiệu của công ty.

Sau khi hoàn thành, đóng bao sản phẩm thì tiến hành đưa gạo Việt Nam đi triển lãm, giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ, các trung tâm quốc tế. Nếu có những thay đổi trên thì chúng ta mới nhanh chóng có thương hiệu lúa gạo Việt Nam”,  GS Tòng Xuân phân tích.

Theo Đất việt

Partners
Back To Top