Năm 2008 và 2015, Indonesia từng ra cảnh báo sau khi JPMorgan hạ bậc trái phiếu chính phủ thanh toán bằng đồng rupiah trong bối cảnh thị trường rối loạn. Ảnh: Wired
Ngày 4/1, Chính phủ Indonesia tuyên bố dừng tất cả hoạt động hợp tác kinh doanh với ngân hàng JPMorgan Chase & Co. sau khi bị ngân hàng này giảm đánh giá tín nhiệm, bắt đầu từ ngày 1/1/2017.
Trước đó vào tháng 11, JPMorgan đã hạ hai bậc tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Indonesia, từ mức Tăng tỷ trọng đầu tư xuống Giảm tỷ trọng đầu tư.
Phản hồi lại, Indonesia cho rằng đánh giá của JPMorgan là không chính xác, không đáng tin. Động thái này bị Giám đốc chiến lược và danh mục nợ của Bộ Tài chính Indonesia - Schneider Siahaan cho là có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bán tháo và bất ổn trên thị trường tài chính.
Do đó, Indonesia đã quyết định ngừng thuê JPMorgan làm nhà phân phối cấp một và nhà tư vấn cho đợt bán trái phiếu chính phủ.
Ba lần hạ bậc
Đây là lần thứ ba JPMorgan hạ bậc tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Indonesia trong lịch sử.
Năm 2008 và 2015, Indonesia từng ra cảnh báo sau khi JPMorgan hạ bậc trái phiếu chính phủ thanh toán bằng đồng rupiah trong bối cảnh thị trường rối loạn.
Còn tháng 11 vừa qua, trái phiếu Indonesia tiếp tục bị giáng bậc trong bối cảnh thị trường toàn cầu bán tháo sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ngay sau đó, lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Indonesia tăng vọt 0,466 điểm phần trăm, mạnh nhất trong 6 năm, lên 7,895%. Lợi tức tăng đồng nghĩa giá giảm.
Chính phủ Indonesia cho rằng JPMorgan có xung đột về lợi ích, ông Siahaan nói. “Với vai trò là một nhà phân phối trái phiếu, JPMorgan có trách nhiệm tìm người mua, nhưng cùng lúc họ lại khuyến cáo bán ra. Chúng tôi thấy họ không thực hiện tốt cam kết”.
Nhật báo phố Wall dẫn nguồn thạo tin cho hay ngân hàng Mỹ đang tìm cách cải thiện mối quan hệ với Indonesia trước khi đưa ra đánh giá tín nhiệm vào tháng 11.
JPMorgan khẳng định mảng kinh doanh tại Indonesia vẫn hoạt động như bình thường, và đang tìm kiếm giải pháp hòa giải với Bộ Tài chính nước này.
Xung đột về lợi ích
Đây là lần đầu tiên Indonesia cắt quan hệ với một ngân hàng. Nó cho thấy lằn ranh mỏng manh giữa hoạt động của một ngân hàng và một công ty xếp hạng tín nhiệm.
Nhiệm vụ của một ngân hàng là phải đưa ra các khuyến nghị đầu tư độc lập, không bị tác động cho các khách hàng mua dịch vụ tư vấn đầu tư.
Nhưng chính những khuyến nghị tiêu cực lại làm ảnh hưởng tới các khách đang sử dụng dịch vụ khác của ngân hàng, ví dụ như thuê phân phối và tư vấn bán trái phiếu. Những nghiệp vụ này mang lại khoản phí béo bở cho ngân hàng để tăng vốn.
Nếu làm phật ý khách hàng chính phủ, các ngân hàng sẽ gặp khó trong việc tiếp cận lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ, thậm chí mất mối làm ăn, như trong trường hợp của JPMorgan.
Trong một số trường hợp, các ngân hàng bị “cảnh cáo” có thể tìm cách xoa dịu khách hàng, hoặc “trảm” nhân viên đã phát hành báo cáo.
Trên thực tế, mặc dù nợ trong nước của Indonesia ở mức thấp so với châu Á, tỷ trọng nợ nước ngoài so với dự trữ ngoại hối lại ở mức cao nhất, theo số liệu của ngân hàng Standard Chartered.
Do đó, Indonesia sẽ dễ bị tổn thương hơn so với các nước châu Á khác khi đồng USD mạnh lên và lãi suất tại Mỹ tăng.
Phản ứng mạnh
Nhìn chung, chính phủ các thị trường mới nổi thường phản ứng mạnh trước các quyết định hạ bậc tín nhiệm.
Năm 2011, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đã hạ bậc tín nhiệm trái phiếu kho bạc Mỹ khỏi mức cao nhất. Bộ Tài chính Mỹ cho đây là một quyết định “lỗi”.
Năm 2015, Standard & Poor’s hạ tín nhiệm trái phiếu Ba Lan từ A- trừ xuống BBB- cộng. Bộ Tài chính Ba Lan cũng gọi đây là một quyết định “không thể hiểu nổi, nhìn từ góc độ kinh tế và tài chính”.
Tháng Ba năm ngoái, khi Moody’s hạ bậc triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc vì kinh tế giảm tốc và dự trữ ngoại hối giảm, tờ Tân Hoa Xã đã đáp lại bằng một bài xã luận cáo buộc cơ quan xếp hạng đang áp dụng những “quy định có thể tự hủy hoại danh tiếng của chính mình”, trong đó có việc áp đặt tiêu chuẩn kép cho nền kinh tế đang phát triển và đã phát triển.
Cá biệt, đầu những năm 2000, Nhật Bản công kích ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn vì các vụ hạ bậc trái phiếu chính phủ.
Trong đó, Moody’s thậm chí xếp hạng trái phiếu thanh toán bằng đồng yen của Nhật thấp hơn cả trái phiếu của Botswana ở châu Phi.
Cựu thủ tướng Junichiro Koizumi thời bấy giờ tỏ ra bất bình. Ông cho rằng không có lý gì mà trái phiếu của Nhật Bản lại còn bị xếp dưới hạng trái phiếu chính phủ của một nước đang nhận viện trợ từ chính Tokyo.
Mặc dù vậy, có thể nói quyết định cắt đứt luôn quan hệ với ngân hàng của Indonesia là chưa từng có tiền lệ.
Theo Bizlive
Content is updating...
INSTITUTE FOR BRAND AND COMPETITIVENESS STRATEGY
Address: 3rd Floor, Block C, La Thanh Hotel, 218 Doi Can Str, Ba Dinh Dist,Hanoi
Phone: (+84)24 62 9191 37 - Email: info@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI