Cần chuỗi liên kết bền vững để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

Cần chuỗi liên kết bền vững để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

Vấn nạn lương thực, thực phẩm bẩn tràn lan đang khiến cả xã hội hoang mang. Trong khi đó, người nông dân muốn trồng rau, củ, quả sạch để cung cấp ra thị trường thì dù đầu tư nhiều nhưng giá bán và tiêu thụ đều gặp khó khăn.


Thậm chí nhiều người đã quyết tâm làm rau sạch, cuối cùng vẫn phải ngậm ngùi từ bỏ. Vì vậy, để có chỗ đứng cho nông sản sạch trên thị trường, người nông dân không thể “đơn thương độc mã” mà rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp…

Đầu năm 2014, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Thạch Thất, Hà Nội) vay mượn hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào 1,5ha trồng rau an toàn, mỗi tháng sản xuất khoảng 10 tấn rau ra thị trường.

Tuy nhiên, anh chỉ bán được 1/3 cho các siêu thị, số còn lại phải bán đổ tháo cho các thương lái, bếp ăn với giá như rau thông thường.  Vì thế, sau 2 năm, anh phải quay về trồng rau theo cách thông thường.

 
Doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học công nghệ vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất nông sản chất lượng cao. 

 

Ông Trương Văn Dư, Giám đốc Công ty cổ phần Green Farm (Mộc Châu, Sơn La) cho biết đã thử trồng cà chua cho năng suất cao trong điều kiện tốt, kết quả thu được rất khả quan.

Nhưng khi bán ra thị trường nội địa, lượng tiêu thụ không được như mong muốn. “Cà chua chúng tôi trồng trong nhà kính, sạch, đúng quy trình, giống nhập từ nước ngoài về nên quả hơi to. Người dân nghĩ là cà chua công nghiệp, không đáng tin”, ông Dư chia sẻ.

Tuy nhiên, đó chỉ là vài ví dụ của tình trạng nông dân, doanh nghiệp nhỏ dù sản xuất là nông sản sạch nhưng không có chỗ tiêu thụ.

GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thừa nhận vấn đề đầu ra đang khiến người nông dân, các hợp tác xã lúng túng, thậm chí là "chán" sản xuất rau sạch. Theo ông Viên, thực tế các cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp mới chỉ được đảm bảo bao tiêu 10 – 20% đầu ra.

Nông dân và doanh nghiệp có liên kết với nhau nhưng có đến 95% là liên kết phi chính thức, khi xảy ra sự cố nông dân bị thua thiệt, làm mất niềm tin của cả hai bên. Bên cạnh đó, các vấn đề khác như tiếp cận vốn, công nghệ cũng khiến nông dân gặp khó khăn khi sản xuất thực phẩm sạch.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề lớn nhất của nông sản Việt Nam là không có thương hiệu do chúng ta chủ yếu xuất khẩu hàng thô, không có thương hiệu thì rất khó có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước đã khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn về chất lượng cũng như mẫu mã, và đặc biệt mất niềm tin vào nông sản Việt.

Thực tế hiện nay, các nông dân và hợp tác xã dù muốn làm lớn cũng không thể làm nổi do quỹ đất manh mún, không có vốn, thiếu cả kiến thức khoa học kỹ thuật và quản lý chuyên nghiệp. Để có nền nông nghiệp tiên tiến và sản phẩm sạch, số lượng lớn, rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

Tuy nhiên, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thời gian qua còn kém, doanh nghiệp chưa được đặt đúng vai trò trong nền nông nghiệp.

Nguyên nhân đầu tiên do chính sách chưa khuyến khích tích tụ ruộng đất, tổ chức thị trường nội địa yếu kém, chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân chưa rõ ràng, đầy đủ.

Làm sao để kết nối các nhà lại với nhau, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng? Để giải quyết vấn đề này, cần đặt doanh nghiệp vào đúng vai trò, làm cầu nối trong chuỗi sản xuất, phân phối.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn dắt kinh tế nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác cùng phát triển. Doanh nghiệp đi đầu trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, là hạt nhân liên kết nông dân với thị trường.

Cuối năm 2016, Công ty VinEco đã tiên phong trong việc liên kết nông dân để sản xuất nông sản sạch. Với Chương trình liên kết 1000 hộ sản xuất, VinEco sẽ hướng dẫn các hộ sản xuất có yêu cầu về quy trình sản xuất rau an toàn; thu mua tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục chứng nhận VietGap và hỗ trợ tài chính. Đại diện VinEco cho biết, để quản lý kiểm soát được đầu ra, công ty đã phải xây dựng cả một chiến lược.

Trong đó, công ty hỗ trợ về đào tạo kiến thức, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Các nông hộ tham gia ký kết sẽ được kiểm soát quá trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất thông qua đội ngũ kỹ thuật “nằm vùng”.

Ngoài ra, công ty còn đảm bảo thu mua đúng quy trình, giá cả một cách ổn định nhất. Đặc biệt, đối với những hộ sản xuất đủ điều kiện, VinEco sẽ hỗ trợ tài chính tối đa 300 triệu đồng/hộ để giúp trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, vốn, giống.

Sau 3 tháng, chương trình đã thu hút được sự tham gia của 250 hộ sản xuất đầu tiên thuộc các lĩnh vực Rau, Nấm, Gạo, Trái cây và con số này đang gia tăng hàng ngày. Bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng Giám đốc VinEco, cho biết trong thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình liên kết này lên 1.000 hộ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: “Mô hình liên kết này trước mắt sẽ còn nhiều vấn đề phải giải quyết, dù vậy chúng ta rất kỳ vọng vào những “đại gia” đã sẵn sàng xắn tay vào nông nghiệp như VinEco.

Việc kết nối các nhà lại với nhau, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng dù rất khó khăn, nhưng tôi vẫn lạc quan về sự tươi sáng của chuỗi liên kết này”.

Theo CAND

Related news

Content is updating...

Partners
Back To Top