Lối đi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Lối đi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

“Đừng chỉ quan tâm xem đối thủ làm gì. Hãy tìm hiểu khách hàng muốn gì và cố gắng đáp ứng”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo “Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra chiều 16.1. Trong bối cảnh hiện nay, vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải cạnh tranh bằng thương hiệu.

Nguồn:Theo ĐBND

Những con số đáng lo ngại

Chiếm trên 97% số doanh nghiệp (DN) của cả nước, sử dụng 51% tổng số lao động xã hội, đóng góp 40% vào GDP, 30% vào tổng thu ngân sách nhà nước - những thống kê về DN nhỏ và vừa một lần nữa được nhắc lại trong Hội thảo “Chiến lược cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức. Nó cho thấy, DN nhỏ và vừa có vai trò quan trọng như thế nào trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực trạng quy mô và năng lực hoạt động của các doanh nghiệp này cũng nổi lên những con số đáng lo ngại. Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam) nêu dẫn chứng: Chỉ có khoảng 21% DN liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là 30%, Malaysia 46%. “Chúng ta có chưa đến 0,1% DN khoa học công nghệ trong tổng số DN. Đa số DN nhỏ và vừa làm dịch vụ, chỉ khoảng 20% hoạt động sản xuất”, ông Văn nói. Một khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng chỉ ra rằng, 42% DN nhỏ và vừa có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng và 85% DN hoạt động chính thức có doanh thu dưới 2 tỷ đồng.

Đặt thực tế này trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng, nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh thì DN nhỏ và vừa sẽ thua ngay trên sân nhà. “Nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là nhu cầu cấp thiết, liên tục, lâu dài, mà là sự sống còn của DN và cả nền kinh tế”, ông Toàn nhấn mạnh.

“Đòn bẩy” từ chính sách

Năng lực cạnh tranh của DN không phải là chuyện mới mẻ gì, song theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia, mỗi giai đoạn phát triển sẽ đặt ra vấn đề mới cho DN. Ông Thịnh chia sẻ: Khi được hỏi, để cạnh tranh được, DN phải làm gì, thì có đến 90% chủ DN trả lời là phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm. “Điều này là đúng nhưng không phải lúc nào cũng đúng”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh nói. Theo ông Thịnh, trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường như hiện nay, DN phải cạnh tranh bằng thương hiệu. Thực tế cho thấy, với sự đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm của DN thông qua chính thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN. Thương hiệu chính là công cụ để kéo khách hàng đến với sản phẩm của DN. Vì vậy, DN phải hiểu được khách hàng đang cần gì thay vì chỉ để ý xem “đối thủ” cần gì, ông Thịnh lưu ý.

Sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay đặt DN nhỏ và vừa trước nhiều thách thức lớn, đòi hỏi họ phải tự chủ động, nỗ lực vươn lên tìm chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia dự Hội thảo cho rằng, DN nhỏ và vừa rất cần những chính sách hỗ trợ thực chất để thúc đẩy hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhấn mạnh thiếu vốn là “căn bệnh trầm kha” của DN nhỏ và vừa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các công ty lớn, tập đoàn kinh tế… thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, ban hành chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhằm tạo ra nguồn lực cho DN mới ra đời, trong đó có DN khởi nghiệp. Cùng với đó, tạo cơ chế liên kết giữa các DN, hiệp hội ngành nghề, địa phương. Khi các hiệp hội phát triển vững mạnh, DN sẽ được hỗ trợ nhiều mặt về kinh nghiệm sản xuất, quản lý, xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, cần có chính sách để tạo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. “Đây là giải pháp nhanh và hữu hiệu để DN nhỏ và vừa có thể xây dựng thương hiệu của mình”, ông Toàn bày tỏ. Khi DN nhỏ và vừa tham gia cung ứng linh kiện, bán thành phẩm bảo đảm chất lượng cho các DN lớn đã có thương hiệu tốt thì chính thương hiệu và năng lực của DN cung ứng cũng sẽ được nâng cao. Do vậy, ông Toàn đề xuất các chính sách khuyến khích sự lan tỏa của DN lớn đã có thương hiệu tới các DN nhỏ và vừa Việt Nam.

 Trong khi đó, luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực nhấn mạnh yếu tố: Phải tạo được hành lang pháp lý cao và thống nhất trong thực hiện chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, ông Anh cũng lưu ý, DN nhỏ và vừa chiếm số đông, không nguồn lực nào của Nhà nước có thể hỗ trợ hết. Do vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên tập trung vào một số hoạt động mang tính chất cơ bản, một số hoạt động mang tính tập trung như: Đào tạo nguồn nhân lực, pháp lý, mặt bằng. Ngoài ra, cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa thông qua cơ chế giám sát đánh giá các chương trình hỗ trợ, kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh những nội dung không phù hợp, không đúng nhu cầu.

 

DN nhỏ và vừa Việt Nam chưa có bản sắc “DN Mỹ có đặc trưng của tính tự do, phóng khoáng và thiên hướng thực dụng. DN Nhật Bản có tính kỷ luật, sự tận tụy và tinh thần hợp tác, thiên hướng gia đình. DN Hàn Quốc trung thành, trách nhiệm, tính cam kết cộng động rất cao. DN Đức thể hiện tính chính xác, thận trọng, kỷ luật và thực tế”. Luật sư Lê Anh Văn, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nói rồi đặt câu hỏi: Nét văn hóa của DN nhỏ và vừa Việt Nam là gì và tự trả lời: DN nhỏ và vừa Việt Nam chưa có bản sắc văn hóa riêng!
Theo ĐBND
Partners
Back To Top