Định vị thương hiệu trong thế giới dư thừa thông tin số

Định vị thương hiệu trong thế giới dư thừa thông tin số

Trong kỷ nguyên số, hoạt động thương mại điện tử diễn ra phổ biến và ngày càng chiếm vị trí quan trọng - các doanh nghiệp cần có tư duy mới khi việc xây dựng thương hiệu. Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 12/1 tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 300 đại biểu.


Chương trình có sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank).

Việt Nam hiện đứng thứ 16 trong top 20 quốc gia có số người sử dụng internet với gần 50 triệu người, trong đó 60% là người trẻ. Tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Internet trở thành nguồn thông tin quảng cáo phổ biến nhất để người dùng biết đến sản phẩm. 73% người tiêu dùng Việt Nam tìm hiểu thông tin trên internet trước khi mua hàng.

Trao đổi tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia, cho biết xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số, doanh nghiệp cần hướng đến sự tương tác nhiều với môi trường khác nhau trong đó có môi trường Internet. Xây dựng thương hiệu không đơn giản chỉ là “vẽ” ra logo đẹp, mà còn phải tối đa hóa lợi ích của khách hàng, không chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Ảnh: Quang Hiếu)

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Ảnh: Quang Hiếu)

Theo ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp hiện mới chú ý lợi nhuận và đưa ra chiến lược kinh doanh, còn chiến lược thương hiệu thì vẫn “mông lung”, chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản hơn về xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số. Trong đó, cần chú ý đến mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại thông minh, tích hợp nhiều giải pháp trên cùng một thiết bị điện thoại.

Trình bày tại Hội thảo, Đại diện Nielsen Việt Nam cho biết đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối internet. Tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh và số lượng tương đương này là sử dụng internet. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của các nhà cung cấp nội dung, sản xuất nội dung cũng như số hóa tài liệu, một khối lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ cho việc khai thác và bóc tách sử dụng đã và đang trở thành thách thức lớn đối với người dùng là cá nhân hay tổ chức. Trước xu thế đó, các tổ chức cần xác định rõ bản sắc thương hiệu, nhân cách và triết lý thương hiệu đủ nổi trội và khác biệt để có thể tạo ra các nội dung truyền thông phù hợp, phương tiện truyền thông tương thích đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường phát triển.

Xét trên tổng thể quốc gia trong thế giới internet toàn cầu, cuộc cách mạng CNTT đã làm thay đổi thứ hạng các quốc gia rất nhanh, làm thay đổi cả trật tự thế giới dựa trên việc quốc gia tận dụng khai thác lợi thế CNTT một cách hiệu quả, tạo giá trị. Đồng thời, CNTT cũng giúp cho các quốc gia xích lại gần nhau, thúc đẩy sự phát triển của văn minh thời đại và cũng chính là văn minh của con người. “Thương hiệu chính là ở con người và chất lượng con người chính là chất lượng thương hiệu. Thương hiệu là của quốc gia, là rường cột, là niềm tin của thế giới Việt Nam”, đó là nhận định của TS. Lê Doãn Hợp – Chủ tịch Hôi Truyền thông số Việt Nam

 TS. Lê Doãn Hợp (Ảnh: Quang Hiếu)

TS. Lê Doãn Hợp (Ảnh: Quang Hiếu)

Trong một thế giới ngày càng có nhiều người tạo ra nội dung và thông tin thì hiệu quả của việc truyền thông số hướng đối tượng là vô cùng quan trọng, góp phần giảm thiểu chi phí và đạt được hiệu quả mong muốn một cách nhanh chóng. Định vị thương hiệu để tạo ra bản sắc khác biệt hóa trong một thế giới dư thừa thông tin.

Theo Dân Trí

Partners
Back To Top