Người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn

Người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn

Nghề vẽ tranh truyền thần ở Sài Gòn đang dần bị mai một đi vào quên lãng. Giờ chỉ còn sót lại duy nhất một ông cụ gắn bó với nghề qua nhiều cái Tết nơi góc vỉa hè Sài Gòn.


Nhiều cái Tết đam mê và lưu giữ nghề

Hơn 20 năm qua, những người thường đi trên đường Điện Biên Phủ (quận 10, TP.HCM) cũng đều nhìn thấy một ông cụ tuổi đã ngoài 80 luôn ngồi cặm cụi để vẽ những bức tranh. Ông được coi là người cuối cùng trong nghề vẽ tranh truyền thần ở Sài Gòn.

Theo chỉ dẫn của một người quen, tôi tìm đến ông cụ vẽ tranh truyền thần. Ông giản dị, ngồi cặm cụi vẽ bức tranh mà một người khách đã nhờ mà không hề hay biết phía sau lưng ông có khách đến, hay không hề để ý đến những sự việc, tiếng ồn của dòng xe tấp nập ngoài đường.

5-2-1
Ông Từ Hoa Lợi, người gắn bó cả cuộc đời mình cho nghề vẽ tranh truyền thần.

Qua trò chuyện, được biết ông tên là Từ Hoa Lợi năm nay đã ngoài 80 tuổi, quê ở Quảng Ninh. Ông Lợi gắn bó với nghề nhiều năm, trong đó có 25 năm vẽ tranh truyền thần ở Sài Gòn và hơn 50 năm ở Hà Nội. Do hồi nhỏ, ông Lợi có năng khiếu và đam mê về hội họa nên khi thi vào Đại học ông đỗ điểm rất cao vào trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Vì quá đam mê nên khi còn là một cậu sinh viên năm nhất ông Lợi đã nhận vẽ thuê nhiều nơi, một phần thỏa đam mê, phần khác là kiếm chút tiền để trang trải cho bản thân. Dần dần trở thành bạn đời của ông suốt hơn 50 năm nơi đất Hà thành.

Một thời gian sau, ông Lợi chọn mảnh đất Sài Gòn lập nghiệp với cái nghề vẽ thần thái mà ông đam mê. Khoảng những năm 80 thì cái nghề vẽ thần thái rất hưng thịnh, nhiều người tìm đến ông để lưu giữ lại những bức ảnh chân dung.

Nhưng cái nghề nào cũng phải trải qua những thăng trầm, một phần mảnh đất Sài Gòn đắt đỏ thì lại càng khó hơn. Dù vậy, suốt 25 năm nay ông Lợi vẫn luôn ngồi ngay trước nhà của một người bạn cũ trên đường Điện Biên Phủ để chờ những người khách còn nhớ đến tranh truyền thần.

3-2-1
Dù nắng hay mưa ông đều ngồi đợi khách nơi góc vỉa hè nhỏ Sài Gòn.

Thêm một cái Tết nữa trôi qua…

Ngọn lửa đam mê nghề vẽ thần thái của ông Lợi đã hơn nửa thế kỷ qua không bao giờ tắt, bởi đối với ông Lợi chỉ cần được vẽ tranh thôi là ông đã cảm thấy hạnh phúc rồi dù cho bữa đói bữa no. Có tận mắt nhìn thấy đôi bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo của ông Lợi khi vẽ tranh mới cảm nhận được lòng yêu nghề, đam mê như thế nào. Ông sinh ra đã có tài vẽ bẩm sinh chứ không phải khi còn là cậu sinh viên năm nhất của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Ông Lợi chia sẻ : “Nghề vẽ tranh truyền thần không giống như các loại tranh khác, không nhiều màu sắc bởi vẽ tranh truyền thần là vẽ ký họa về thần thái, vẻ mặt quan trọng là phải thể hiện được cái hồn trong mỗi chân dung của nhân vật. Muốn có cái hồn thì quan trọng nhất ở đôi mắt và miệng của nhân vật, bởi con mắt là cửa sổ tâm hồn và cái miệng là biểu cảm tích cách cũng như cuộc đời của con người”.

1-2-1
Miệt mài thêm một cái Tết nữa để tìm người kế nghiệp.

Điều đặc biệt, tranh truyền thần ông vẽ không thấm nước cũng lâu bị hư hại với thời gian. Dụng cụ vẽ của ông Lợi rất đơn giản chỉ là những bột màu và vài thanh tre do ông tự chế, cùng những đầu lọc thuốc.

Nghề vẽ tranh truyền thần đòi hỏi nhất là sự đam mê, bởi khi vẽ người họa sĩ phải dành tất cả tâm hồn, sự tập trung cao mặc cho những ồn ào khác nhau bên ngoài, giữ được sự bình thản tịnh tâm để điều khiển từng nét cọ cho đúng.

Một bức tranh hoàn thành mất rất nhiều thời gian, đối với các bức tranh nhỏ là từ 3-4 tiếng, còn bức tranh lớn thì từ 6 tiếng có khi gần cả nửa ngày, nên người họa sĩ phải có kiên nhẫn thì mới vẽ và theo cái nghề này được.

2-2-1
Mỗi bức tranh là cả tâm huyết và đam mê của ông.

Trải qua nhiều nốt thăng nốt trầm suốt hơn 50 năm ở Hà Nội và 25 năm ở Sài Gòn, ông Lợi lại càng nặng lòng hơn vì tìm người kế nghiệp vẽ tranh truyền thần. Bởi tuổi trẻ ít ai biết đến nghề vẽ này nữa, không ai chịu ngồi suốt nhiều tiếng đồng hồ để vẽ một bức tranh.

Tưởng chừng người con trai của ông sẽ tiếp nối nghề vẽ truyền thần nhưng được một thời gian vì không đủ kiên nhẫn cũng bỏ nghề. Chưa kể cũng có 2 thanh niên tìm đến ông để học nghề nhưng rồi cũng phải chuyển nghề khác.

Hơn 80 tuổi giờ lại thêm một cái Tết nữa ông Lợi vẫn ngồi góc vỉa hè nhỏ miệt mài tìm người kế nghiệp, cái nghề nhìn dễ mà khó, cái nghề bị lãng quên, mai một từng ngày.

4-2-1
Những bức tranh truyền thần được ông Lợi thổi hồn.

 

Theo Người tiêu dùng

Partners
Back To Top