Thúc đẩy SMEs bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Thúc đẩy SMEs bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Chiều 16/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội thảo Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). 


 

Hội thảo nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp (DN) SMEs bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách tự tin, cũng như có thể cạnh tranh được với các đối thủ trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, 

Chiếm trên 97% tổng số DN trong cả nước, SMEs sử dụng 51% tổng số lao động xã hội, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước... Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, năng lực cạnh tranh của các SMEs còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Nam- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh- cho biết: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học đang tiếp tục xích lại gần nhau hơn thì công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép chúng ta tiến tới thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Trên thực tế, đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy, những công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có tác động lớn tới các DN trong tất cả các nền công nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đa số DN nói chung và SMEs nói riêng đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó, 52% đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% DN sử dụng thiết bị hiện đại.

Để cộng đồng SMEs Việt Nam bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách tự tin và thành công, ông Nguyễn Văn Nam cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, quản trị DN hiện đại…

Liên quan đến vấn đề nâng cao khả năng cạnh tranh cho SMEs hướng tới sự phát triển bền vững, bà Đỗ Thùy Dương- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hội tụ nhân tài TALENTPOOL chia sẻ, tại Việt Nam có 5 SMEs thành công gồm: Công ty Du lịch Buffalo truyền cảm hứng cho hàng trăm DN trong lĩnh vực du lịch và được ghi nhận như một thành tựu điển hình của người Việt trên thị trường châu Âu; Công ty Cỏ May ghi dấu ấn trong lĩnh vực nông nghiệp và được người tiêu dùng lựa chọn không chỉ bởi chất lượng sản phẩm vượt trội mà còn là cam kết mạnh mẽ của DN với trách nhiệm xã hội; Công ty TNHH sản xuất và thương mại ổn áp Nhật Linh Lioa là niềm tự hào trong lĩnh vực thiết bị điện dân dụng và công nghiệp; Trường Nguyễn Siêu trở thành biểu tượng thành công của hệ thống trường tư của Việt Nam trong giai đoạn đổi mới giáo dục; Canifa khẳng định bản lĩnh các DN thời trang Việt với sự nỗ lực không ngừng đổi mới. Theo bà Đỗ Thùy Dương, công thức phát triển của các DN này có những điểm chung bao gồm: Sự liên tục học hỏi và lắng nghe khách hàng; kết nối và hợp tác; xây dựng văn hóa DN vững mạnh hiệu quả; xây dựng hệ thống quản trị chuẩn mực, đơn giản, dễ áp dụng và liên tục được cải tiến; chủ động và tích cực tiếp cận các nguồn lực cho sự phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho SMEs, cần tạo điều kiện tối đa để các SMEs tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; tạo sự liên kết giữa các DN, tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho các hiệp hội DN, hiệp hội làng nghề, địa phương phát triển… Ví dụ, Hiệp hội SMEs tỉnh Tuyên Quang ký thỏa thuận hợp tác với các chi nhánh ngân hàng thương mại của tỉnh để hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tính dụng cho các DN hội viên là sáng kiến cần nhân rộng. Bên cạnh đó, tạo sự liên kết theo chuỗi sản phẩm cũng là giải pháp nhanh và hữu hiệu để các SMEs có thể xây dựng thương hiệu của mình...

Có thể khẳng định, cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có hiệu lực, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể. Năm 2016 đã có 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập - đây là con số kỷ lục. Vừa qua, dự thảo Luật Hỗ trợ SMEs đã được trình lên Quốc hội và sẽ được đưa ra bàn thảo trong các kỳ họp tới - là những tín hiệu đáng mừng đối với SMEs, cũng là những điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng SMEs, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, đồng thời bảo đảm thực thi nghiêm minh pháp luật. Và để các SMEs thành công, các chuyên gia cho rằng, không chỉ cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước mà còn cần sự nỗ lực của chính bản thân các DN.

Theo Công Thương

Related news

Content is updating...

Partners
Back To Top