CIEM: Chủ động trao cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia dịch vụ công ích

CIEM: Chủ động trao cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia dịch vụ công ích

TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công (CIEM), cho rằng cần chủ động trao cơ hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ công ích.


Phát biểu tại hội thảo “Cơ chế, chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 5/1, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cần mở rộng và phổ quát hoạt động cung ứng dịch vụ công ích tại đô thị gắn liền với yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng tính tự chủ và bảo đảm mở rộng cửa cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia; đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực y tế và giáo dục. 

Đến nay, dịch vụ công ích được quy định, bao gồm một số hoạt động phục vụ đời sống dân sinh, cộng đồng gồm: thu gom-chế biến rác, nước thải, chiếu sáng công cộng, vườn hoa-công viên-cây xanh, bảo vệ môi trường, vận tải công cộng, cấp - thoát nước… Hiện các doanh nghiệp thuộc Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, đảm nhận cung ứng các dịch vụ nói trên. 

Tuy nhiên, đến nay, cơ chế chỉ riêng doanh nghiệp Nhà nước (thường gọi là doanh nghiệp công ích) đảm nhận nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công ích tại đô thị không còn phù hợp, cần có sự thay đổi theo hướng đa dạng hóa hình thức doanh nghiệp tham gia, chủ yếu với sự có mặt của doanh nghiệp tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động và dịch vụ công ích. Đây cũng là yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng theo nội dung cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công (CIEM) cho biết, cần chủ động trao cơ hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ công ích để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra trên diện rộng và nhanh chóng. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần duy trì, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, tập trung tạo cơ hội để các đơn vị cạnh tranh với nhau trên tinh thần công bằng; từ đó cạnh tranh tự do bằng giá cả và chất lượng phục vụ. 

Bên cạnh đó, cần phát huy thế mạnh và điều kiện tốt cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu, từ đó thu về những lợi ích toàn diện cho xã hội, doanh nghiệp và các đối tượng thụ hưởng một cách hài hòa. Đơn cử, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xác nhận tiết kiệm được tới 60% chi phí nhờ thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích trên địa bàn. Trong khi đó, một số địa phương khác cũng xác nhận tiết kiệm được hơn 10% bằng biện pháp đấu thầu. 

Một số đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đều có nhu cầu lớn về số lượng, chủng loại dịch vụ công ích bên cạnh yêu cầu cao hơn về chất lượng. Đơn cử, mỗi năm Hà Nội cần hơn 4.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để chi cho các dịch vụ công ích. Nếu hoạt động đấu thầu diễn ra đại trà sẽ tiết kiệm được không ít vốn… 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho biết, dư luân xã hội, cơ quan chức năng cần quan tâm đến những ý kiến phản hồi, nhất là sự hài lòng của người dân thay vì chưa quan tâm thỏa đáng như từ trước đến nay. Nhu cầu của cộng đồng sẽ gia tăng và đa dạng hơn, với yêu cầu cao hơn về chất lượng trong thời gian tới. Điều đó đồng nghĩa với nhận định, dư địa để cải thiện tình hình và phát triển dịch vụ công ích vẫn còn nhiều./. 

Theo Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Related news

Content is updating...

Partners
Back To Top