Mục sở thị 18 bảo vật quốc gia lần đầu trưng bày ở bảo tàng lịch sử

Mục sở thị 18 bảo vật quốc gia lần đầu trưng bày ở bảo tàng lịch sử

Đây là lần đầu tiên, trưng bày hội tụ đầy đủ 18 bảo vật quốc gia trong tổng số hơn 200.000 tài liệu, hiện vật hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử quốc gia.


Sáng ngày 10/1, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức trưng bày đặc biệt Bảo vật quốc gia Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, trưng bày hội tụ đầy đủ 18 bảo vật quốc gia trong tổng số hơn 200.000 tài liệu, hiện vật hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng.

Trưng bày sẽ giới thiệu tới khách tham quan một cách khái quát về những bảo vật từ thời văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm, các thời đại của văn minh Đại Việt và các triều đại phong kiến cho đến khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cùng với đó là những câu chuyện lịch sử, văn hóa hấp dẫn để khách tham quan thêm hiểu biết về tư duy thẩm mỹ, sự sáng tạo, bàn tay tài hoa, qua đó khích lệ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.

Phát biểu tại buổi khai mạc, TS. Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc bảo tàng cho biết, các bảo vật được trưng bày lần này đại diện cho các thời đại lịch sử, phần nào phản ánh diện mạo lịch sử văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Tuy nhiên do có một số bảo vật có kích cỡ lớn, không thể trưng bày được trong phòng trưng bày.

Dưới đây là các bảo vật được PV báo Người đưa tin ghi nhận:

Trống đồng Hoàng Hạ, thuộc văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2000 - 2500 năm). Hiện vật được phát hiện khi đào mương tại thôn Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) năm 1937.

Trống đồng Ngọc Lũ thuộc văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2000 - 2500 năm). Hiện vật được phát hiện khi đắp đê Trần Thủy tại xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vào năm 1893.

Thạp đồng Đào Thịnh thuộc văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2000 - 2500 năm). Hiện vật được phát hiện bên bờ sông Hồng bị sạt lở thuộc xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái năm 1960. Chức năng chính của thạp là đồ đựng chất trữ lương thực, của cải. Đây là chiếc thạp được chế tác tinh xảo nhất trong số hàng trăm chiếc thạp thời Đông Sơn đã được phát hiện.

Cây đèn đồng hình người quỳ, thuộc văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2000 - 2500 năm). Hiện vật được nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse khai quật tại khu mộ gạch cổ Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa năm 1935.

Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn, thuộc văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2000 - 2500 năm). Hiện vật được Louis Pajot khai quật tại di tích khảo cổ học Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa năm 1929.

Thống gốm hoa nâu thời Trần (thế kỉ 13-14). Hiện vật được phát hiện khi đào giếng tại khu đền Trần, thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP. Nam Định năm 1972.

Ấn Môn hạ sảnh ấn thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377). Hiện vật được phát hiện tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh năm 1962. Sảnh Môn Hạ là một trong những cơ quan hành chính trung ương thời Trần.

 

Chuông chùa Vân Bản thời Trần, được phát hiện ngẫu nhiên tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng năm 1958. Đây là một trong những chiếc chuông đồng cổ, có kích thước lớn, chế tác tinh mỹ nhất của nền văn minh Đại Việt

Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga thời Lê sơ (thế kỉ 15). Hiện vật được khai quật tại tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam năm 1999 - 2000.

Ấn Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo, thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1790). Ấn do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) cho đúc làm quốc bảo vào năm 1790. Đến đời vua Gia Long (người sáng lập nên nhà Nguyễn - PV), bảo vật này được chọn làm báu vật truyền ngôi nhà Nguyễn, được lưu giữ rất cẩn trọng.

 

Trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, năm 1800.

Ấn Sắc mệnh chi bảo thời Nguyễn, niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 8 (1827). Ấn dùng để đóng vào các Cáo mệnh hoặc chiếu văn phong tặng cho hoàng thân quốc thích hay công thần.

Tác phẩm Ngục trung nhật kí (nhật kí trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tác phẩm Đường Kách Mệnh, tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong thời gian hoạt động cách mạng tại Quảng Châu, Trung Quốc năm 1925 -1927.

Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Người đưa tin

Partners
Back To Top