Xin đừng “hiện đại hóa” di tích!

Xin đừng “hiện đại hóa” di tích!

“Di tích” theo nghĩa chiết tự được hiểu là vết tích để lại, là dấu ấn của một thời kỳ lịch sử mà khi nhìn vào đó con người sẽ thấy được những thành quả của tổ tiên mình. Bởi vậy, giá trị của một di tích trước hết không nằm ở độ lớn bé, hoành tráng ra sao mà thể hiện ở thông điệp nó mang lại, thông qua đó hậu thế sẽ học hỏi được gì từ chính trị, kinh tế, văn hóa, tập tục, kiến trúc của tiền nhân truyền lại.


Đó có thể là một công trình đồ sộ như Vạn lý Trường thành ở Trung Quốc, Cung đình Huế, đấu trường Colosseum ở Italia, lăng mộ Tajimahan ở Ấn Độ hoặc đôi lúc chỉ mà cái miểng sành, cái bình sứ nhỏ xíu…

Di tích sẽ không còn là… di tích nếu nó đã được “hiện đại hóa” khoác tấm áo thô kệch của bê tông, sắt thép… Đó là thực trạng đáng buồn với Thành cổ Sơn Tây – Hà Nội, một trong 4 tòa thành nổi tiếng, tiêu biểu, đẹp nhất miền Bắc, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Với vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc cùng không gian yên bình vốn có, nó đã được xếp vào nhóm “nghiêm cấm vi phạm”. Thế nhưng, người ta đang ngang nhiên “mổ xẻ”, rồi “bê tông hóa” Thành cổ Sơn Tây với những hạng mục công trình gượng ép, phản cảm, thậm chí là hết sức vô lý.          

Theo một số tài liệu, Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) là tòa thành cổ duy nhất được xây bằng đá ong của Việt Nam có tổng diện tích 16ha với các kiến trúc độc đáo như: Tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ. Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay, thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía Tây Bắc Thăng Long.

Thành cổ Sơn Tây (Ảnh: Internet)

Chẳng biết sự “nhiệt tình” cải tạo Thành Sơn Tây được thôi thúc bởi cái gì? Phải chăng lại là một dự án mang tính kinh tế hơn là ý nghĩa tái hiện lại lịch sử oai hùng của dân tộc? Làng cổ Đường Lâm sẽ không còn là chính nó nếu thiếu cây đa, sân đình, thiếu những tấm ngói thủ công nhuốm rêu phong, thiếu những bức tường gạch nung đượm màu thời gian. Cũng giống như vậy, Thành cổ Sơn Tây sẽ mất đi giá trị khoa học nếu lối đi bằng gạch bị cạy lên, cánh cổng cốt thép được trùm lên bởi lớp bê tông vô cảm.          

Hãy tôn trọng di tích lịch sử giống như chúng ta tôn trọng sự thật, chân lý, “hiện đại hóa” di tích lịch sử chính là giết chết lịch sử, thiếu tôn trọng cổ nhân và phần nào đó nó cho thấy cái thô bạo, mông muội đến đáng trách của con người. Sẽ như thế nào nếu đến một lúc nào đó, chúng ta không còn những di sản minh chứng cho trí tuệ, tài năng của cha ông mình?          

Đừng nhân danh tu sửa để phá hoại di tích lịch sử, đừng vì cám dỗ của đồng tiền mà bất chấp lương tri trục lợi trên di sản của cha ông, đành rằng tôn tạo di tích là việc làm cần thiết để níu giữ những giá trị lịch sử, làm cơ sở để giáo dục các giá trị nhân văn truyền thống nhưng phải được làm một cách khoa học, sự đồng thuận của xã hội mà trước hết là cơ quan chủ quản và hội đồng chuyên môn.

Theo báo Lao Động

Partners
Back To Top