Dấu ấn của những thương hiệu Việt từng bị lãng quên

Dấu ấn của những thương hiệu Việt từng bị lãng quên

Việc gia tăng doanh số đáng kinh ngạc của thương hiệu Bitis trong những ngày vừa qua là dấu hiệu đáng mừng cho sự trở lại của một thương hiệu Việt giữa cuộc tấn công ồ ạt của những sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, trong quá khứ, chúng ta đã có không ít những sản phẩm đình đám, ghi dấu ấn khó quên trong lòng người tiêu dùng.


Giày Thượng Đình

Ra đời cách đây hơn 60 năm, giày Thượng Đình đáng mặt đàn anh về tuổi đời so với nhiều thương hiệu giày hiện nay tại Việt nam. Trong giai đoạn đời sống còn nhiều khó khăn, việc tung ra một mẫu giày với giá cả vừa phải, mẫu mã đơn giản và độ bền cao đã khiến Thượng Đình có một vị thế đặc biệt đối với người Việt, đặc biệt là người ở độ tuổi lao động và thu nhập thấp.

Sau này, khi đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, thu nhập từ đó cũng ngày một khá lên, thì mẫu giày Thượng Đình không còn được chuộng như trước. So với nhiều hãng giày Việt khác như Biti’s không ngừng nâng cấp mình bằng những mẫu mã mới, đa dạng về hình thức,  Thượng Đình vẫn giữ nguyên mẫu giày vải mềm đã khiến tên tuổi của thương này thụt lùi trong hành trình kinh doanh của mình.

 

Hiện nay, giày Thượng Đình vẫn còn được bày bán ở nhiều nơi, tuy nhiên, với sự lấn sân của những mẫu giày Trung Quốc hay các nhãn hàng giày Việt khác, đôi giày lừng danh ngày nào giờ ngậm ngùi được xếp vào mẫu hàng “bảo hộ lao động”.

Kem đánh răng Dạ Lan

Vào những năm đầu thập niên 90, bên cạnh một ông lớn P/s lừng danh, Dạ Lan cũng là một cái tên nổi bật trong các sản phẩm kem đánh răng khi chiếm tới 70 % thị phần, có mặt ở nhiều khu vực trên cả nước. Sau một thời gian đầu tư, sản phẩm kem đánh răng này còn mở rộng sang cả thị trường Lào, Cam-pu-chia, và một số tỉnh phía nam Trung Quốc.

Dạ Lan duy trì được vị thế của mình nhờ chất lượng sản phẩm tốt, hương vị độc đáo, giá cả phải chăng cộng thêm việc được đầu tư linh hoạt, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành thương hiệu đáng mơ ước tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, năm 1994, chủ thương hiệu Dạ Lan quyết định bán thương hiệu này cho tập đoàn mẹ của thương hiệu kem đánh răng Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD. Sau đó, Dạ Lan có được đưa trở lại thị trường Việt, tuy nhiên không thể có được sự tín nhiệm cao và lấy được sự ưa chuộng của người tiêu dùng như trước.

Xà bông cô Ba

Nhắc đến những thương hiệu Việt lừng danh một thời, không thể không nhắc đến xà bông cô Ba, một trong những niềm tự hào lớn của các sản phẩm từ người Việt. Thương hiệu này được xây dựng vào năm 1932 bởi Trương Văn Bền, một thương gia nổi tiếng thời bấy giờ. Nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường, khi mà chủ yếu các sản phầm lúc này có xuất xứ từ Pháp, số còn lại là sản phẩm từ một vài cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm thị phần không đáng kể, bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dung đang “xài” xà bông “đá” với mùi khó chịu, chủ yếu được dùng để rửa tay hay giặt giũ, ông Bền đã quyết định đầu tư vào mảng xà bông thơm để cạnh tranh với hàng ngoại.

 

Đây là coi loại xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam, có sức "đánh bại" xà bông thơm của Pháp nhờ chất lượng tốt, giá thành thấp, phù hợp với nhiều đối tượng. Xà bông Cô Ba có công thức rất đơn giản: 72% là dầu dừa, còn lại là xút và hương liệu.  Ngoài ra, việc đầu tư vào quảng cáo cũng chính là công thức thành công nổi bật của thương hiệu này. Các quảng cáo của ông thường ghi dòng chữ “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam” để đánh vào lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Ăn theo sự thành công của xà phòng Cô Ba, ông Bền còn cho ra đời dòng sản phẩm dầu thơm, nước hoa, dầu gội Cô Ba. Tuy nhiên cũng theo thời gian, giờ đây, xà bông Cô Ba đã vắng dần trên thị trường Việt. Hiện có rất ít nơi còn bán loại xà bông này.

Xá xị Chương Dương

Trước năm 1975, xá xị rất phổ biến tại miền Nam Việt Nam nhờ hương vị và giá cả thích hợp, phần lớn loại nước này do hãng BGI sản xuất, chứa trong chai thủy tinh. Xá xị đầu tiên tại Sài Gòn có nhãn hiệu hình con cọp nên còn gọi là "xá xị con cọp". Đến tháng 7/1977, tập đoàn BGI chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Việt Nam, trở thành nhà máy quốc doanh với tên gọi là nhà máy nước ngọt Chương Dương. Hầu hết thị trường khu vực miền Nam khi đó đều rất ưa chuộng dòng sản phẩm này. Đây được xem như thời hoàng kim của xá xị Chương Dương.

 

Năm 1993, nhà máy được đổi tên thành công ty Nước giải khát Chương Dương.Tuy nhiên, cũng từ đây, Chương Dương gặp vật cản lớn khi có sự xuất hiện của của 2 ông lớn trong ngành nước giải khát có gas là Coca-Cola và Pepsi trên thị trường Việt Nam. Với tiềm lực tài chính cao cùng kinh nghiệm lâu năm, những “người khổng lồ” đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nước giải khát có gas và khiến Chương Dương gặp nhiều khó khăn. 

Dù nỗ lực rất nhiều trong việc mở rộng kênh phân phối, tập trung vào các thị trường lớn như TP.HCM, các tỉnh miền Tây, đồng thời từng bước ra miền Trung, miền Bắc, nhưng thị phần của Chương Dương vẫn bị giảm mạnh. Hiện nay, dòng sản phẩm này vẫn còn được bán tại nhiều quán cà phê lâu đời của người Việt, gợi nhắc về một thương hiệu lừng danh một thời của người Việt.

Kem đánh răng Hynos

Trước năm 1975 ở Sài Gòn, người ta đã quá quen với hình ảnh ông tây da đen trên hộp kem đánh răng Hynos với nhiều hình ảnh quảng cáo treo nhiều nơi trong thành phố. Ngoài những đặc điểm sáng giá về chất lượng, sản phẩm này còn thu hút người tiêu dùng bởi hình ảnh ông Chà Và da đen, làm nổi bật được hàm răng trắng sáng, qua đó cón thể hiện thông điệp mạnh mẽ rằng : Chỉ có sử dụng kem đánh răng Hynos mới khiến mỗi người có được hàm răng trắng khỏe như thế.

 

Với sự đầu tư nghiêm túc, đặc biệt là về mặt hình ảnh hay quảng cáo, ông chủ Vương, hay còn gọi là Vương Đạo Nghĩa đã đưa xưởng sản xuất nhỏ của mình trở thành một xí nghiệp tân tiến và nổi bật. Không chỉ vượt qua số lượng các sản phẩm cùng thời điểm trong nước, kem đánh răng Hynos còn được bày bán ở nhiều quốc gia khác như Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan hay Hồng Kông và rất được ưa chuộng. Nhiều phim quảng cáo hay những giai thoại về việc đầu tư quảng cáo thông minh của thương hiệu này vẫn còn được lưu giữ và chia sẻ rộng rãi dù mặt hàng này không còn xuất hiện trên thị trường tiêu dùng. 

Như quảng cáo về việc trồng lúa với trồng… răng cùng những ca từ vui nhộn đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều người Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cao sao vàng

Trong kháng chiến chống Pháp và những năm sau 1954, tại Việt Nam đã có một sản phẩm thông dụng là dầu cù là, trong đó phổ biến nhất là nhãn hiệu Con Hổ (Tiger Balm). Vốn là một sản phẩm thông dụng từ trước, dầu cù là là một trong những sản phẩm được nghiên cứu đưa vào sản xuất đại trà. Việc nghiên cứu và đưa vào sản xuất ở thời điểm đó không dễ dàng. Đến khoảng năm 1968-1969, sản phẩm sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm sản xuất mới được coi là ổn định về chất lượng với tính chất bền trong các điều kiện thời tiết khác nhau, mặt cao mịn, có màu cánh gián với tên thương phẩm là Cao Sao Vàng. 

 

Với nhiều công dụng linh hoạt như chuyên trị nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, chóng mặt, say tàu xe, muỗi và côn trùng đốt,… Cao Sao Vàng đã trở thành người bạn đồng hành trong nhiều gia đình Việt Nam. Đặc biệt là vào giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, trong bất cứ gia đình người Việt nào cũng có một hộp Cao Sao Vàng. 

Hiện nay, dù không còn được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước, nhưng hộp Cao Sao Vàng  vẫn được đánh giá rất cao bởi các cộng đồng quốc tế. Trên trang điện tử eBay, một hộp Cao Sao Vàng được bán với giá 50.000-70.000 đồng, đắt gấp 30 lần so với giá gốc ở Việt Nam. Sản phẩm này nhận được nhiều phản hồi tốt và thường cháy hàng trên các website mua bán như eBay hay Amazon. 

Theo Sống mới

Related news

Content is updating...

Partners
Back To Top