Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Hạn chế trong nhận thức và tuân thủ các quy định của chuẩn mực xuất khẩu, chưa biết cách giới thiệu sản phẩm và chứng tỏ năng lực của doanh nghiệp (DN) với các công ty nước ngoài là những trở ngại khiến DN Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 


Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ảnh minh họa.

Hơn 15 năm qua, kinh tế Việt Nam được nhìn nhận như một nền kinh tế chuyển đổi, nơi có nguồn nguyên liệu và lao động rẻ được xem là yếu tố thu hút các công ty nước ngoài, và rất ít công ty tập trung vào các yếu tố khác ngoài nguồn lao động giá rẻ.

Theo xu hướng thâm dụng lao động đó, việc tập trung đầu tư vào chất lượng nguồn lao động sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam thành công trong tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng ở thời điểm này, để duy trì sức cạnh tranh, tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ để bắt đầu chuyển sang quy trình tự động hóa, phải biết cách tự giới thiệu sao cho tạo được ấn tượng với đối tác.

Khái niệm về chuỗi cung ứng còn rất mới tại Việt Nam. Nhiều năm về trước, rất nhiều doanh nghiệp hiểu rằng họ không thể hoạt động độc lập và giờ đây họ bắt đầu nhận thức được sự cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng. Sự kết hợp giữa một nhà sản xuất tốt với một nhà cung cấp kém, một nông trại kinh doanh tốt với một chuỗi cung ứng tạm thời, một nhà bán lẻ xuất sắc với kho bãi lộn xộn, hay thương mại điện tử thành công mà không có nhà vận chuyển đáng tin cậy chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.

Đáng mừng là các doanh nghiệp đã nhìn thấy vấn đề. Tuy nhiên, có rất ít chuyên gia có kiến thức vững vàng cũng như kinh nghiệm trong quản lý chuỗi cung ứng để có thể xác định quy trình đúng và kiểm soát được để đảm bảo sự hợp tác hiệu quả giữa các đối tác, bên cạnh đó là chi phí thuê họ cũng khá cao đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Vì vậy, đào tạo các chuyên gia về chuỗi cung ứng là việc cần thiết mà các doanh nghiệp phải làm dù có mất nhiều thời gian. Công nghệ thông tin sẽ được tích hợp vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam để kết nối thông suốt trong nội bộ doanh nghiệp cũng như với đối tác (nhà cung cấp và khách hàng). Trên thị trường hiện nay ngày càng có nhiều giải pháp hợp lý và doanh nghiệp cần áp dụng để tham gia cuộc chơi trong những năm tới.

Một chuỗi cung ứng bền bỉ đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, vốn là một vấn đề đối với đại đa số các SME tại Việt Nam. Đầu tư cho máy móc mới, công nghệ mới, phần mềm mới... là một phần cần thiết trong chiến lược dài hạn.

Ở khía cạnh này, hầu hết các SME phải đối mặt với ba thử thách: không có chiến lược chính và ít rõ ràng về nhu cầu trong tương lai, khái niệm ROI (lợi nhuận/chi phí) không được sử dụng chính thức dẫn đến việc tính toán đầu tư không đủ rõ ràng và các ngân hàng sẽ yêu cầu làm rõ hai điểm trên trước khi họ xác nhận nợ cho các SME.

Vượt qua những thử thách trên là rất quan trọng, nó giúp chuẩn hóa chiến lược dài hạn của DN và tập hợp các hoạt động kinh doanh vững chắc đủ để thuyết phục ngân hàng về các khoản đầu tư có liên quan một cách chặt chẽ và giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu.

Để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhận thức là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Các SME cần phải nhận thức đầy đủ nhu cầu từ thị trường toàn cầu. Số lượng bao nhiêu, sản phẩm nào, giá trị dịch vụ cộng thêm là gì, sự cải tiến được mong đợi. Từ đó các DN thấy được vị trí của mình cũng như những hạn chế nào còn tồn tại cần khắc phục để có thể đáp ứng những yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu: những quy trình nào cần phải được đặt ra, những chứng chỉ nào cần phải được cung cấp, những kỹ năng nào cần phải được phát triển.

Khi những điểm trên được làm rõ sẽ hỗ trợ quyết định đầu tư của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thiết lập sự ưu tiên, thuê mướn, phát triển sản phẩm mới.

Hiện nay, chủ các SME đã quan tâm đến vấn đề điều hành và thường gặp khó khăn trong việc định hình công ty trong 2 - 3 năm. Vì vậy, những việc có thể làm để hỗ trợ các SME là chỉ ra những tiềm năng họ có thể khai phá để gia nhập thị trường quốc tế và những điều cần thiết họ phải làm để thu hút khách hàng quốc tế.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cần tạo cho mình sự tự tin để bước vào sân chơi toàn cầu bằng cách đi ra nước ngoài, tham gia hội chợ, gặp gỡ khách hàng tiềm năng, đối thủ cạnh tranh... Và những tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội DN... là nơi đáng tin cậy để họ tìm đến.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Partners
Back To Top