Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu

Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu

Năng lực và sự thích ứng là chìa khóa cho thành công của các doanh nghiệp niêm yết trên sân chơi toàn cầu, được dự báo sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt hơn trong năm 2017.


 

Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu

Doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam phải cạnh tranh “trên từng centimet” với các đối thủ Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh..

Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), bà Nguyễn Ngô Vi Tâm vừa có bài thuyết trình về cá tra tại Diễn đàn cá đáy lần thứ 25 tại thành phố Hamburg, Đức, với sự tham dự của hơn 300 nhà điều hành cấp cao từ 65 công ty thủy sản trên thế giới.

Diễn đàn chỉ dành cho các nhà quản lý cấp cao của các công ty có đóng góp đáng kể vào quá trình sản xuất, hoặc tham gia tích cực trong các hoạt động marketing, phân phối và kinh doanh các sản phẩm cá đáy tới người tiêu dùng cuối cùng. Cá đáy bao gồm phần lớn các loài cá đánh bắt trong thương mại quốc tế cùng với một cơ số chọn lọc các loài cá nuôi.

Bà Tâm đã nói về ngành công nghiệp cá tra, đề cập những vấn đề nổi bật về loài cá này và tương lai cho ngành nông nghiệp nuôi trồng ở đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu trong phần trình bày của bà Tâm cho thấy, cạnh tranh trong ngành rất quyết liệt.

Tại thị trường lớn nhất của con cá tra là Mỹ với giá trị tiêu thụ gần 400 triệu USD mỗi năm, các nhà sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Malaysia cạnh tranh trên từng centimet. Làm gì để có thể duy trì thị trường hiện tại đã khó, để vượt lên còn là bài toán khó gấp nhiều lần.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, quý III/2016, Vĩnh Hoàn tiếp tục dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam, kim ngạch 9 tháng tăng 15% so với cùng kỳ. Thị phần xuất khẩu cũng tăng tương ứng từ 14% lên 16% vào cuối tháng 9/2016.

Trong bức tranh chung là tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra toàn Việt Nam đạt 1,23 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, đây là thành tích khá nổi trội. Kim ngạch toàn ngành cả năm 2016 ước đạt 1,66 tỷ USD, tăng trưởng 6% so với năm 2015, VASEP đưa ra nhận định như vậy, nhưng cũng nói thêm rằng, các doanh nghiệp phải rất nỗ lực mới đạt được con số trên.

“Phải thay đổi kịp và thậm chí trước khi có những thay đổi về môi trường sản xuất - kinh doanh, vượt qua mọi rào cản kỹ thuật khó khăn nhất”, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn chia sẻ về cách thức để gia tăng năng lực cạnh tranh.

Xác định rõ khi cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu, nếu chỉ sử dụng nguồn nhân lực trong nước là không đủ, Vĩnh Hoàn đã thu hút và tuyển dụng khá nhiều nhân sự cao cấp tại nước ngoài. Bà Tâm đã xây dựng thành công lực lượng bán hàng đa quốc tịch và có kinh nghiệm quốc tế, quản lý các văn phòng đại diện bán hàng tại Mỹ, Singapore và Trung Quốc. Cho đến nay, gần 50% đội ngũ bán hàng của Vĩnh Hoàn là người nước ngoài bản địa của các thị trường xuất khẩu trọng tâm.

“Chúng tôi luôn coi những khách hàng và những thị trường có yêu cầu khắt khe nhất là những khách hàng và thị trường có tiềm năng phát triển nhất”, bà Tâm cho biết.

Khó khăn hơn nhiều là ngành dệt may, theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch CTCP Đầu tư và thương mại TNG, ngành may mặc đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nước đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka. Ấn Độ đang tập trung nguồn lực cũng như chính sách từ phía nhà nước để phát triển ngành dệt may.

Campuchia, Myanmar cũng vậy. TNG đang bị cạnh tranh dữ dội từ các doanh nghiệp của các nước. Nhìn nhận về triển vọng năm 2017 đối với TNG và ngành dệt may Việt Nam, ông Thời nói: “Năm 2017, dự báo sẽ không có nhiều lợi thế cho dệt may Việt Nam về phương diện thị trường, thuế quan và vì ảnh hưởng của tổng cầu thế giới đến xuất khẩu dệt may Việt Nam”.

 Trong bối cảnh này, những bài toán lớn nhất mà TNG phải giải quyết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tập trung ở những vấn đề đã được đề cập nhiều lần nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Đó là, TNG sẽ phát triển hàng ODM (tự thiết kế, sản xuất) mang thương hiệu của TNG mạnh lên, đan xen giữa hình thức này với FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), tìm cách giảm dần hàng gia công.

Việc nâng tỷ lệ hàng ODM sẽ giúp tạo thêm giá trị gia tăng cho Công ty. Bên cạnh đó, TNG tiếp tục tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ, tìm cách tăng năng suất lao động, giảm hạng mục đầu tư không đem lại lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay ngân hàng và các chi phí khác.

Tư duy mở, đón đầu thay đổi là cách mà các doanh nghiệp Thái Lan đang thực hiện nhằm xâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khu vực khi một cộng đồng kinh tế chung với nhiều hàng rào thuế quan được gỡ bỏ tại Đông Nam Á.

Tỷ phú Thái Lan Chatri Sityodtong trong một buổi nói chuyện với 200 doanh nhân tại TP. HCM đã nhận xét rằng, trong 5 năm tới, tầng lớp trung lưu tại châu Á sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng cơ hội không dành cho tất cả các doanh nghiệp. Người Thái biết rõ điều đó và đang chuẩn bị bằng các thương vụ M&A với các doanh nghiệp dẫn đầu ở nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch CTCP VCS Stone nói rằng, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu,doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hội nhập. Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt là quy mô hầu hết là quá nhỏ, năng lực tài chính yếu; trình độ quản trị của doanh nghiệp đa số còn rất thấp, hiểu biết về môi trường kinh doanh quốc tế còn ít.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng tìm hiểu để hội nhập nhưng do nguồn lực (nhất là con người) có hạn nên sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện mình và do đó có thể bị chậm và mất cơ hội vào tay các công ty nước ngoài.

Từ kinh nghiệm vực dậy một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản thành một công ty có hiệu quả kinh doanh cao với 95% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường phát triển, ông Năng cho rằng, muốn hội nhập, doanh nghiệp phải đảm bảo ít nhất là hiểu được luật pháp Việt Nam và quốc tế để tuân thủ pháp luật dù ở bất cứ nơi đâu; hội nhập với trình độ quản trị quốc tế và muốn vậy phải có nguồn nhân lực trình độ quốc tế, chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Đặc biệt, cần có chiến lược kinh doanh cùng với chiến lược về nguồn lực rõ ràng và phù hợp với chuối giá trị mình muốn tham gia.

“Chúng ta có chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để phòng chống các rủi ro hay không. Trước khi ra khơi, để tránh bị sóng vùi thì phải tìm hiểu và phòng bị cho đủ nhất có thể. Với kinh doanh, yếu tố sống còn để phát triển bền vững là phải có nguồn lực con người đủ mạnh, trên nền tảng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, với trách nhiệm giải trình minh bạch, sau đó mới là nền tảng công nghệ, vốn và thiết bị”.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chia sẻ thêm quan điểm rằng, kinh doanh không thể tránh được yếu tố thời thế và may rủi. Nhưng bản lĩnh lãnh đạo doanh nghiệp của những người đứng đầu sẽ cho phép doanh nghiệp đó dẫn dắt may rủi hay là không.  

Theo Thủy Nguyễn
Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Related news

Content is updating...

Partners
Back To Top