Làng hoa thất thu vẫn lạc quan chuẩn bị mùa thu hoạch mới

Làng hoa thất thu vẫn lạc quan chuẩn bị mùa thu hoạch mới

Tết năm nay, người dân làng hoa Tây Tựu đón một cái Tết đơn giản nhưng đầm ấm. Một năm thất thu do hoa nở sớm, song trong những ngày đầu Xuân năm mới, người trồng hoa Tây Tựu vẫn lạc quan với mùa hoa mới.


Làng hoa thất thu vẫn lạc quan chuẩn bị mùa thu hoạch mới

Nhiều gia đình để hoa nở ngoài đồng vì không thể tiêu thụ khi chưa đúng thời điểm và không có kho lạnh để bảo quản

Đau đầu vì hoa nở sớm

Thời tiết khó lường khiến cho làng hoa Tây Tựu tưng bừng nở hoa trước Tết. Dù đã có nhiều điều chỉnh nhưng thực tế hoa vẫn nở sớm khoảng 15 – 20 ngày trước vụ thu hoạch. 

Để cứu vãn tình hình, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng kho lạnh nhằm bảo quản, tránh cho hoa bị bung nở để có hàng cung cấp ra thị trường. Theo khảo sát của PLVN, ngay từ những ngày 10 – 15/12 (lịch âm), các kho lạnh đã chật cứng hoa. Nhiều hộ buộc phải bán với giá thấp nhằm cứu đồng vốn, thậm chí có hộ không bán được và phải để cả vườn hoa nở trong tiếc nuối khi hai năm liền vay vốn ngân hàng nhưng chưa biết lấy gì để trả nợ. Nhà ít thì vài chục triệu, nhà nhiều vài tỷ.  

Hình ảnh người nông dân cặm cụi trên cánh đồng ngày 29 – 30 Tết có lẽ không còn xa lạ. Giá hoa rẻ chỉ khiến họ cố gắng vớt lấy những tiếc nuối cuối cùng. Việc chuẩn bị cho cái Tết cũng vì thế mà trở nên đơn giản, hạn chế hơn. Phiên chợ cuối năm cũng không còn nhiều ý nghĩa khi nhà nhà vội vàng tranh thủ mua sắm đồ dùng thiết yếu ngày Tết, rồi sau đó lại tranh thủ trở lại cánh đồng, hay đem hoa ra các chợ, tuyến đường chính trong nội thành Hà Nội bán “vớt vát được đồng nào hay đồng nấy”.

Câu chuyện cũ mở ra hy vọng mới

Khó khăn hai năm liên tiếp tuy có làm người trồng hoa nản lòng, nhưng cái Tết đầu năm vẫn phải được trọn vẹn. Không khí đón Tết tại Làng hoa Tây Tựu tuy nhiều hạn chế nhưng vẫn thể hiện rõ sự vui mừng với hy vọng năm mới mùa màng bội thu.

Bên mâm cơm gia đình ngày Tết, cùng dùng cơm với người trồng hoa, nghe câu chuyện họ kể, nghe dự tính trong năm mới, chúng tôi cảm nhận tinh thần lạc quan và ý chí không chịu khuất phục trước sự thất thường của thời tiết của người dân nơi đây. 

Chị Phương – người dân trồng hoa ở Tây Tựu chia sẻ: “Thu nhập bằng cách trồng hoa ly trong 2 năm vừa rồi không bằng trồng hoa hồng, cúc. Nhưng đã trót theo thì vẫn phải làm cho tới cùng”.

Việc quay lại trồng các loại hoa có chi phí thấp nhưng cho thu nhập ổn định hiện vẫn đang được nhiều nhà vườn xem xét. Tuy nhiên, thua lỗ do trồng hoa ly đã gợi thêm nhiều quyết tâm hơn. Được xem như việc đánh một canh bạc lớn, nếu may mắn trúng Tết sẽ cho thu nhập cao, và ngược lại, nguy cơ phá sản luôn rình rập. Vì lẽ đó, việc chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán thật chu đáo bên cạnh hoạt động lễ chùa, cũng chính là cách mà người Tây Tựu cầu mong cho năm mới nhiều may mắn để bù đắp cho sự vất vả, “ăn sương nằm nắng”.

Vấn đề kỹ thuật cũng được bà con quan tâm khi thời tiết trở nên thất thường. Việc thay đổi chu kỳ sinh trưởng của cây cũng chỉ có thể điều chỉnh được khoảng từ 7 – 10 ngày, không thể lâu hơn. Đặc biệt, với khí hậu miền Bắc vài năm gần đây khi mùa đông nhiệt độ có thời điểm lên tới 33 – 36oC, thì việc áp dụng khoa học - công nghệ là điều không khả thi.

“Bây giờ, muốn trồng hoa ly là phải có kho thì mới còn hàng bán vào Tết. Còn xây nhà kính thì không thể. Vì nay khoảng 32oC nhưng mai có thể lên tới 35oC thì điều hòa nào chịu được”, ông Vũ Đình Ngư chia sẻ.

Khó khăn là vậy nhưng điều người trồng hoa mong muốn cũng chỉ là mong sao có chính sách vay vốn ngân hàng giúp bà con phần nào giảm bớt khó khăn ban đầu. Ngoài ra, vấn đề cải tạo chất lượng đất đai ở Tây Tựu cũng cần được quan tâm để người nông dân có thể tiếp tục trồng nên những bông hoa đẹp phục vụ thú chơi hoa ngày Tết. 

Theo Pháp luật

Related news

Content is updating...

Partners
Back To Top