Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 16/1 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức.


Quang cảnh hội thảo (Ảnh: K.D)

Nhận định chung về doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Lê Anh Văn cho rằng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói riêng, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung đều đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào GDP. Với số lượng chiếm đa số, các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong đó, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước. 

Ông Lê Anh Văn khẳng định, nhìn vào thành tích, thấy rằng số lượng DNNVV tăng lên đáng kể. Cả nước hiện nay đã có hơn 600.000 doanh nghiệp. Trong 11 tháng năm 2016, đã có 102.000 doanh nghiệp thành lập mới, đây là con số cao kỷ lục, mục tiêu đến năm 2020 dự kiến Việt Nam có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, ông Lê Anh Văn cũng chỉ ra rằng nhìn vào thực trạng quy mô và năng lực hoạt động các DNNVV của Việt Nam cũng nổi lên một số vấn đề đáng lo ngại. Chỉ có khoảng 21% DNNVV của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng tòan cầu, trong khi ở Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Ước tính Việt Nam chỉ có chưa đến 0,1% doanh nghiệp khoa học công nghệ trong tổng số doanh nghiệp. Chí phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu, trong khi tại Ấn Độ tỉ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%. 

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Giám đốc Dự án Năng lực thương mại Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện tối đa để các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện tại thiếu vốn là căn bệnh trầm kha của các DNNVV song tiếp cận nguồn vốn tín dụng luôn là bài tóan khó với các doanh nghiệp này vì không đủ tài sản thế chấp, không đủ điều kiện tín chấp, tổng vốn vay không lớn. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các công ty lớn, tập đòan kinh tế, những nhà hảo tâm góp vốn thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngòai thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhằm tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp mới ra đời trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Các ý kiến tham luận khác cũng cho rằng, cần tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho các hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, địa phương phát triển; khi các hiệp hội phát triển vững mạnh, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhiều mặt như kinh nghiệp sản xuất, quản lý, xây dựng thương hiệu.  Đặc biệt, cần tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, đây là giải pháp nhanh và hữu hiệu để các DNNVV có thể xây dựng thương hiệu của mình./.  

Theo ĐCSVN

Partners
Back To Top