Ngành cà phê trước thách thức của biến đổi khí hậu

Ngành cà phê trước thách thức của biến đổi khí hậu

Sáng 12/3, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”.


Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thế Phong

Tại hội thảo, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết cà phê là một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước và đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Hiện chúng ta đang từng bước xây dựng ngành công nghiệp chế biến cà phê với sản phẩm đa dạng hơn theo nhu cầu thị trường cũng như người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Năm 2016, diện tích cà phê cả nước đạt trên 643.000 ha, năng suất khoảng 24 tạ/ha, thuộc mức cao của thế giới. Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch trên 3,36 tỷ USD. Riêng tại Tây Nguyên, diện tích trồng cà phê đạt cao với khoảng 540.000 ha, vượt rất xa so với quy hoạch đến năm 2020 là 447.000 ha.

Hiện ngành cà phê đang đứng trước nguy cơ phát triển thiếu ổn định như sức cạnh tranh thấp, sản lượng chưa cao; chuỗi giá trị của ngành cà phê từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ chưa gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân trồng cà phê.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề đối với ngành cà phê. Riêng năm 2016, hạn hán làm thiệt hại trên 116.000 ha cà phê. Đầu năm 2017, xuất hiện tình trạng mưa trái mùa làm cho hàng vạn ha cà phê ra hoa sớm, nên nguy cơ giảm khả năng đậu quả và giảm năng xuất đã hiện hữu.

Ông Y Giang Gry Nie Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết thời gian qua dù Đắk Lắk chú trọng đến công tác chỉ đạo sản xuất, kinh doanh và quy hoạch cụ thể đối với diện tích cà phê trên địa bàn, song cũng như cả Tây Nguyên, địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mang tính quốc gia. Đó là tình trạng sản xuất manh nún, nhỏ lẻ, trình độ nhận thức và sản xuất, khả năng đầu tư thâm canh, nguồn vốn đầu tư không đồng đều giữa các hộ nông dân, giữa các khu vực.

Việc cải tạo, tái canh cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, chất lượng kém đang gặp khó khăn vì cần quy trình kỹ thuật chặt chẽ, nghiêm ngặt và cần có thời gian, vốn đầu tư lớn. Tình trạng thu hái quả cà phê xanh diễn ra phổ biến, khâu chế biến còn bất cập, thiếu gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu…

Để cà phê Tây Nguyên phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, ông Y Giang Gry Nie Knơng cho rằng cần triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cà phê được sản xuất và chế biến đúng quy trình, không phát triển thêm ngoài diện tích đã được quy hoạch. Đồng thời, tập trung tái canh, thâm canh nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá ổn định về sản lượng, năng suất và chất lượng, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), với mục tiêu xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao, trước tiên phải quy hoạch lại diện tích cà phê, chỉ ổn định diện tích 600.000 ha. Trong đó, xác định 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông) là trọng điểm với diện tích 530.000 ha; số còn lại phân bố ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên. 

Đồng thời, tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đã ban hành hỗ trợ phát triển cây cà phê; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ sinh học chọn tạo giống, công nghệ chế biến cà phê… 

TS. Trương Hồng, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đề xuất, ngoài các giải pháp quy hoạch, kỹ thuật về giống, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm cây công nghiệp nói chung, cây cà phê nói riêng, đồng thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan trực tiếp đến sản xuất cây công nghiệp chủ lực  vùng Tây Nguyên như chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, vay vốn ưu đãi đối với người trồng cây cà phê, chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cây cà phê…

Theo VGP News

Partners
Back To Top