“Nữ nghệ nhân” giữ hồn Tết Huế qua tục chơi bài chòi – bài tới

“Nữ nghệ nhân” giữ hồn Tết Huế qua tục chơi bài chòi – bài tới

Nói đến những trò chơi dân gian ngày Tết thì không một ai không biết tục chơi bài chòi – bài tới. Nét đẹp truyền thống này đang dần mai một nếu không có bàn tay tâm huyết của “nữ nghệ nhân” Ngô Thị Nguyệt đã gìn giữ nghề làm bài tới hàng chục năm qua.


Ở đất cố đô Huế nói riêng, bài tới được biết đến bởi bà Ngô Thị Nguyệt, một “nữ nghệ nhân” nổi tiếng ở khu vực làng Địa Linh ( xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Năm nay dù đã ngoài 60 tuổi nhưng thao tác của bà vẫn còn mềm mại lắm. Quan sát bàn tay tài hoa khéo léo từ việc dán giấy, cắt rời cho đến xếp từng quân bài khiến chúng tôi không ai nghĩ bà đã ngoài lục tuần.

Được gia đình truyền nghề và bắt đầu làm nghề từ năm 14 tuổi, đến nay cũng đã gần 50 năm bà Nguyệt gắn bó với nghề. “Gia đình tôi 3 đời nay đều gắn với nghề làm bài tới, hiện các con của tôi đều đã được tôi truyền nghề. Tuy nhiên vì không có được lợi nhuận cao nên chúng đều tìm những công việc riêng có thu nhập ổn định hơn, chỉ làm bài tới lúc nhàn rỗi phụ giúp cho gia đình thôi”-  bà Nguyệt chia sẻ.

anh-2

Bà Ngô Thị Nguyệt đang gấp rút cắt những con bài để kịp giao cho các chủ đầu mối.

Để làm một quân bài tới phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. “Khó nhất là công đoạn in nhưng bữa nay đỡ vất vả hơn nhiều vì mình đem ra các quầy để họ in, với lại ngày xưa các loại giấy mềm kém chất lượng nên phải dán 2 đến 3 lớp giấy còn bây giờ chỉ dán lớp giấy màu thôi” bà Nguyệt cho biết.

Hằng năm, gần đến Tết thì gia đình bà lại ráo riết làm những bộ bài tới để bỏ cho các đầu mối ở chợ Đông Ba. Năm nay cũng vậy, ước tính trong tháng cuối năm bà làm được khoảng 10 nghìn bộ để phục vụ cho nhu cầu người chơi dịp Tết.

Trước đây, làng Địa Linh, xã Hương Vinh rất nổi tiếng với nghề làm bài tới, nhưng thời gian gần đây, nhiều hộ dân lần lượt bỏ nghề vì lợi nhuận mang lại rất thấp. Mỗi bộ bài tới khi đưa ra thị trường chỉ có giá từ 2,5 đến 3 nghìn đồng.

Cách làm thủ công có năng suất không cao, tốn nhiều công sức, nhưng giá cả lại thấp khiến việc giữ nghề ngày một khó khăn. Nhưng không vì vậy mà bà Nguyệt buông xuôi bỏ nghề, năm nào bà cũng cố gắng sản xuất và đưa ra thị trường những bộ bài tới với mục đích trên hết là muốn gìn giữ nghề của địa phương và cha ông để lại.

anh-3

Một số bộ bài thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường

Bà Nguyệt bộc bạch: “Tôi làm như vậy chỉ muốn giữ nghề thôi, chứ thu nhập thấp lắm, nếu thu nhập khá thì các con tôi ở nhà làm hết rồi. Công việc thì nhẹ nhàng nhưng phải trải qua nhiều công đoạn, bữa nay thì có công nghệ in nên làm được nhiều và nhanh hơn nhưng mức độ tiêu thụ lại ít, ngày xưa có năm tôi phải thức cả đêm để làm”.

Được biết, trong thời gian tới gia đình bà sẽ cải thiện chất lượng quân bài qua việc thay đổi chất liệu in ấn bằng giấy lụa để đảm bảo tính thẩm mỹ cao hơn.

Mong rằng, tập tục đánh bài chòi – bài tới hay nghề làm bài tới sẽ được lưu giữ và phổ biến hơn để đáp lại những cố gắng và nỗ lực của người nữ nghệ nhân.

Với người nghệ nhân này thì nghề làm bài tới không chỉ là chiếc “cần câu cơm” mà còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, bà Nguyệt cũng luôn trăn trở vì việc duy trì lửa nghề cho các thế hệ về sau vẫn là con đường gian nan, khi mà các con của bà lần lượt tìm kiếm những công việc ổn định và có thu nhập cao hơn.

Theo Công Luận

Partners
Back To Top