Hội An: Sắp xếp, bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ

Hội An: Sắp xếp, bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ

Sau thời gian khảo sát, đánh giá thực trạng, UBND TP. Hội An đã phê duyệt và chính thức triển khai đề án bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An từ ngày 1/1/2017. Việc làm này nhằm dẹp bỏ nạn chèo kéo du khách và bài trí lại không gian buôn bán văn minh, tạo nét độc đáo cho phố cổ.


Theo đó, sẽ sắp xếp, bố trí kinh doanh cho các hộ đang buôn bán hàng rong, vỉa hè ở các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong theo nguyên tắc phù hợp với truyền thống và không gian khu phố cổ, gắn với phát triển du lịch bền vững. Thông qua đó sẽ tiến tới việc xây dựng, tạo thương hiệu cho “hàng rong” – một sản phẩm du lịch đặc trưng của khu phố cổ Hội An.

Theo khảo sát do Tổ công tác lập đề án tiến hành với sự tham gia của các đơn vị như Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa, Trung tâm Văn hóa – Thể thao,… thì trong khu phố cổ hiện có 130 người kinh doanh hàng rong, vỉa hè với 76 mặt hàng gồm ăn uống, hàng lưu niệm và đồ dùng các loại. Phương tiện buôn bán gồm 36 loại như: Bạt che, bàn, gióng gánh bằng đòn gánh, thúng tre, xe đạp, xe máy, xe đẩy, xe đẩy có mái che và gắn với động cơ xe máy, xe lăn (dành cho người khuyết tật),… Có 14 phương thức buôn bán hiện có như: Gánh gióng đi bán; bưng thúng, mủng đi bộ; treo móc bảng trên tường; xe đạp chở theo bội, thùng; đặt rổ, thau, trẹt, thùng, tủ, kệ, ghế, bàn để bán.

Quán ăn vỉa hè ở Hội An.

Quán ăn vỉa hè ở Hội An.

Việc bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ theo đề án mới ban hành có tiêu chí cụ thể là chỉ những gánh hàng rong, hàng vỉa hè buôn bán những mặt hàng truyền thống gắn bó và góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của Hội An mới được bố trí lại ở những vị trí công cộng, góc phố, dưới mái hiên trong khu vực I phố cổ để tạo nên những góc nhìn đẹp của văn hóa truyền thống trên các vỉa hè, đường phố Hội An. Không giải quyết buôn bán vỉa hè cho những hộ có nhà mặt tiền (trừ trường hợp nhà có hai hộ nhưng trong đó có một hộ không thể buôn bán mặt tiền và đang tham gia bán vỉa hè).

Tại các điểm được bố trí buôn bán, người bán phải sử dụng các phương tiện (bàn, ghế, gióng, gánh, nia, trẹt) vật liệu thân thiện với môi trường và có kiểu dáng truyền thống theo mẫu cung cấp; không che chắn dù, bạt hoặc các vật dụng gây mất mỹ quan (khi trời mưa thì được che vật dụng có hướng dẫn cụ thể).

Đề án cũng quy định rõ về những mặt hàng không được bán trong khu phố cổ. Cụ thể, không bố trí lại những mặt hàng không phù hợp với truyền thống văn hóa Hội An hoặc gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và du khách, như chim tre, vật bay phát quang, gậy chụp ảnh, tranh 3D, đồ chơi bằng nhựa, dịch vụ dán, xăm hình, kính mát…, kể cả các món ăn được chế biến theo hình thức nướng, quay, đốt (thịt nướng, bánh xèo, bắp nướng…) nhằm đảm bảo phòng chống cháy nổ, ô nhiễm mùi.

Hàng rong ở Hội An. Ảnh: Internet

Hàng rong ở Hội An. Ảnh: Internet

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT TP Hội An cho biết, đề án cũng hướng đến các đối tượng ưu tiên như người địa phương có hộ khẩu thường trú tại Hội An, người đã từng tham gia bán vỉa hè và đóng lệ phí cho địa phương, người của các gia đình có truyền thống và uy tín về bán hàng rong địa phương, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các hộ ở trong kiệt hẻm Hội An… Các hộ, cá thể tham gia phải cam kết thực hiện đúng các quy định về địa điểm, diện tích, mặt hàng, phương tiện, công cụ, trang phục; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, sản phẩm; được tập huấn về giao tiếp và thực hiện tốt giao tiếp ứng xử với khách và một số quy định khác của địa phương.

Hoạt động buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An đã xuất hiện từ lâu đời, là một trong những yếu tố tạo nên phần “hồn” của khu phố cổ và là sản phẩm văn hóa truyền thống của thành phố Hội An. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, số lượng hộ kinh doanh đến từ địa phương khác và nhiều khu vực lân cận tăng nhanh, trong đó có nhiều loại hình không phù hợp với cảnh quan khu phố cổ đã làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội, việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững ở Hội An. Một số mặt tiêu cực diễn ra thời gian qua như tình trạng bán hàng trải bạt dưới lòng đường gây rối trật tự giao thông, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc tham quan, thưởng ngoạn của du khách. Tình trạng chèo kéo, nài ép khách mua hàng vẫn còn diễn ra; việc buôn bán trước di tích tham quan. Tên gọi một số món ăn truyền thống bị thay đổi; chất lượng một số món ăn đặc sản, hàng hóa bị giảm sút; một số món ăn truyền thống không còn được bày bán. Chính vì thế, việc sắp xếp, bố trí lại hoạt động bán hàng rong trong phố cổ là vô cùng quan trọng nhằm tạo nét riêng cho Hội An, tạo sự công bằng cho một số hộ dân trong phố cổ.

Sau khi sắp xếp có 40 điểm với 62 hộ được bố trí lại trong phố cổ. Đối với những cá nhân, hộ kinh doanh thuộc diện không được bố trí lại buôn bán vỉa hè, hàng rong trong Khu vực I khu phố cổ sẽ bố trí các tuyến đường, khu vực khác như chợ Hội An; khu vực phố đi bộ đường Nguyễn Phúc Chu, chợ đêm Nguyễn Hoàng;… Thành phố sẽ vừa làm vừa hoàn thiện dần để xây dựng hình ảnh phố cổ mỹ quan và văn minh hơn trong mắt du khách, đồng thời cũng sẽ tổ chức tập huấn về văn hóa ứng xử, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh ở khu phố cổ.

Theo Báo Công Luận

Partners
Back To Top