Ứng dụng số trong xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam

Ứng dụng số trong xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam

Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh mới của kỷ nguyên số, rõ ràng không có cơ hội nào tốt hơn lúc này cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dường như vẫn đứng ngoài cuộc chơi khi chưa tận dụng được những ứng dụng số trong xây dựng thương hiệu của mình.


Mỗi thị trường và mỗi ngành nghề đang chứng kiến sự chuyển giao mạnh mẽ sang thời đại kỹ thuật số với tốc độ thay đổi đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Internet thay đổi hoàn toàn cách người tiêu dùng kết nối với thương hiệu. Sự thay đổi này mở ra nhiều cơ hội cho những người làm marketing nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những thách thức. Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 12/1 tại Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia Cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia cho rằng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp là sự tương tác và tạo ra sự khác biệt

Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Thương hiệu là sự va chạm, thực chất là sự tương tác, không có sự tương tác không thể làm được thương hiệu. Do đó, xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số, doanh nghiệp cần hướng đến sự tương tác nhiều với môi trường khác nhau trong đó có môi trường Internet. Một trong những nguyên lý cơ bản của xây dựng thương hiệu là phải tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, tạo dựng lòng tin đối với khách hàng, không chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá - Ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, dưới thời đại số, công chúng tiêu dùng có nhiều cách tương tác với doanh nghiệp và nhiều sự lựa chọn sản phẩm hơn hẳn so với trước đây. Đứng trước xu thế này doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách quản trị xây dựng thương hiệu cũng như phương thức sản xuất kinh doanh.

Một lưu ý vô cùng quan trọng, việc xây dựng thương hiệu trực tuyến trong các ngành là hoàn toàn khác nhau và cần có một chiến lược thương hiệu trực tuyến riêng phù hợp với đặc thù kinh doanh của từng thương hiệu đó trong mỗi ngành.

Đồng quan điểm với PGS.TS Thịnh, ông Vũ Xuân Trường, Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho rằng, thách thức trong thời kỳ số là cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đây là thời kỳ rộng mở cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện mới chú ý đến lợi nhuận, chiến lược kinh doanh, đầu tư công nghệ còn chiến lược phát triển thương hiệu thì vẫn còn coi nhẹ hoặc chưa hiểu đúng về nguyên lý xây dựng thương hiệu.

Hội thảo “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số".

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc áp dụng Internet nói chung và Công nghệ số nói riêng để tạo dựng và phát triển công cụ Marketing số xây dựng thương hiệu bên cạnh các công cụ Marketing truyền thống dường như còn khá “lạ lẫm” đối với các doanh nghiệp Việt. Theo số liệu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo chi phí đầu tư cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam trong năm qua chỉ là 15 triệu USD và tỷ lệ sử dụng internet của Việt Nam là 26% so với mức trung bình 19% của Châu Á.

Cũng theo con số thống kê do TNS, công ty chuyên về nghiên cứu đo lường các hoạt động truyền thông thì chi phí quảng cáo trực tuyến chỉ chiếm dưới 5% tổng chi phí quảng cáo. Mặc dù các kênh truyền thông truyền thống như truyền hình, báo, tạp chí, ngoài trời đã trở nên rất đắt đỏ nhưng tới 95% chi phí quảng cáo vẫn được sử dụng tại các kênh này. Điều đó cho thấy mặc dù số lượng người tiêu dùng sử dụng internet cao nhưng chi phí đầu tư cho tiếp thị trực tuyến còn rất khiêm tốn.

Theo Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), có đến 85% người dân truy cập internet bằng thiết bị di động và 74% người dân sử dụng thiết bị này để tìm kiếm thông tin trước khi mua hàng. Xu hướng này được dự đoán sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Đây là dấu hiệu cho thấy cần có sự thay đổi vô cùng lớn trong các hoạt động kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi liên tục để thích nghi và duy trì sự phát triển.

Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ mạng internet nhiều hơn để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành hàng.

BCSI

Partners
Back To Top