Xây dựng thương hiệu là tạo ra giá trị kinh tế trong tương lai

Xây dựng thương hiệu là tạo ra giá trị kinh tế trong tương lai

Đó là nội dung chủ đạo tại hội thảo: “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 12/1, tại Hà Nội.


Các diễn giả tham gia hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho biết, sự bùng nổ Internet trong hơn một thập kỷ qua có tác động đáng kể đến việc thay đổi các mô hình sản xuất kinh doanh và khuynh hướng tiêu dùng. Điều này kéo theo việc thay đổi trong nội dung và các công cụ tiếp thị của doanh nghiệp đối với xã hội, cộng đồng và khách hàng, đặc biệt là các hoạt động xây dựng thương hiệu trong không gian Internet. Internet có đóng góp to lớn cho việc thay đổi cách thức xây dựng và phát triển thương hiệu nhanh chóng, hiệu quả, chính xác và đúng đối tượng.

Ông Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - phát biểu tại hội thảo

 

Dự kiến, theo Gartner, đến năm 2021, thế giới sẽ có khoảng 21 tỷ thiết bị kết nối Internet, trong đó với 15 tỷ thiết bị là kết nối vạn vật (IoT). Tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh và số lượng tương đương này là sử dụng Internet. “Theo đó, mỗi thị trường và mỗi ngành công nghiệp đang chứng kiến sự chuyển giao mạnh mẽ sang thời đại kỹ thuật số với tốc độ thay đổi đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Đây là dấu hiệu báo động cần có sự thay đổi vô cùng lớn trong các hoạt động kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi liên tục để thích nghi và duy trì sự phát triển”, ông Nam khẳng định.

TS. Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - khẳng định, các doanh nghiệp cần có tư duy mới trong việc xây dựng thương hiệu

 

Trước những thách thức trên, TS. Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng, trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp cần có tư duy mới trong việc xây dựng thương hiệu, xây dựng thương hiệu nhìn trên mặt bằng toàn thế giới chứ không chỉ ở trong nước. Thương hiệu chính là ở con người và chất lượng con người chính là chất lượng thương hiệu. Cụ thể, thương hiệu đề cập đến 3 vấn đề chính: Thương hiệu sản phẩm; Thương hiệu con người; Thương hiệu của dịch vụ.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia Cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia cho rằng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị kinh tế trong tương lai

 

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia Cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia - khẳng định, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy phấn đấu vì giá trị bền vững, nên phải tập trung xây dựng thương hiệu. Tài sản thương hiệu là giá trị tăng thêm cho sản phẩm được cảm nhận bởi người tiêu dùng nhờ vào thương hiệu. “Xây dựng thương hiệu thực chất là tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và doanh nghiệp, đồng thời tạo ra giá trị kinh tế trong tương lai”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc áp dụng Internet nói chung và công nghệ số nói riêng để tạo dựng và phát triển công cụ marketing số xây dựng thương hiệu bên cạnh các công cụ marketing truyền thống dường như còn khá “lạ lẫm” đối với các doanh nghiệp Việt.

Theo số liệu mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo, chi phí đầu tư cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam trong năm qua chỉ là 15 triệu USD và tỷ lệ sử dụng Internet của Việt Nam là 26% so với mức trung bình 19% của châu Á.

Nhiều ý kiến, giải pháp đóng góp cho hội thảo

 

Cũng theo con số thống kê do TNS, công ty chuyên về nghiên cứu đo lường các hoạt động truyền thông thì chi phí quảng cáo trực tuyến chỉ chiếm dưới 5% tổng chi phí quảng cáo. Mặc dù các kênh truyền thông truyền thống như truyền hình, báo, tạp chí, ngoài trời đã trở nên rất đắt đỏ nhưng tới 95% chi phí quảng cáo vẫn được sử dụng tại các kênh này. Điều đó cho thấy mặc dù số lượng người tiêu dùng sử dụng Internet cao nhưng chi phí đầu tư cho tiếp thị trực tuyến còn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của các nhà cung cấp nội dung, sản xuất nội dung cũng như số hóa tài liệu, một khối lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ cho việc khai thác và bóc tách sử dụng đã và đang trở thành thách thức lớn đối với người dùng là cá nhân hay tổ chức. Trước xu thế đó, các tổ chức cần xác định rõ bản sắc thương hiệu, nhân cách và triết lý thương hiệu đủ nổi trội và khác biệt để có thể tạo ra các nội dung truyền thông phù hợp, phương tiện truyền thông tương thích đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường phát triển.

Theo Công Thương

Related news

Content is updating...

Partners
Back To Top