Sinh viên ra trường nên chọn vào Nhà nước hay tư nhân?
Sinh viên ra trường nên chọn vào Nhà nước hay tư nhân?
Việc làm không có nghĩa là cứ phải đứng trong cơ quan nhà nước, mà mỗi sinh viên ra trường cần chọn công việc chính đáng, có thu nhập.
Việc làm không có nghĩa là cứ phải đứng trong cơ quan nhà nước, mà mỗi sinh viên ra trường cần chọn công việc chính đáng, có thu nhập.
Kết quả Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm Việt Nam, do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), vừa được công bố cho thấy: gần 2/3 sinh viên cho biết thích làm việc trong khu vực nhà nước.
Lý do chính được đưa ra là lĩnh vực nhà nước có tính ổn định cao. Đây là nguyện vọng chính đáng của sinh viên, tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển kéo theo xu hướng công việc và nhận thức về việc làm cũng thay đổi. Trong khi đó, thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy hiện có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Vậy, đâu là môi trường lý tưởng cho sinh viên mới ra trường?
Theo đánh giá, làm việc trong khu vực nhà nước có tính ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động tuyển dụng trong khu vực này hạn chế nên nhiều sinh viên ra trường dù rất muốn nhưng cũng khó “chen chân”. Nhiều người chấp nhận làm những công việc tạm thời để chờ cơ hội được tuyển dụng, thậm chí làm không lương với mong muốn được trở thành viên chức.
Nhiều sinh viên mới ra trường đi tìm việc làm
Chọn ổn định hay năng động?
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhấn mạnh: “Với hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, tôi cho rằng các bạn nên suy nghĩ rộng hơn về nghề nghiệp mình lựa chọn. Rõ ràng làm đúng ngành nghề được đào tạo là rất tốt, vì không phải ai cũng khó khả năng làm trái ngành. Song khu vực nhà nước cũng sẽ thay đổi rất nhiều so với trước.
Thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp nhà nước cũng đang được thúc đẩy cổ phần hóa, đây là điều đương nhiên. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng đòi hỏi lao động phải năng động, có trình độ, bám sát hơn với sự thay đổi từng giờ, từng ngày của nền kinh tế - xã hội. Như vậy, cơ hội việc làm của các bạn sẽ cao hơn”.
Theo ông Nguyễn Toàn Phong, khu vực việc làm ngoài nhà nước rất năng động và đóng góp lớn cho đất nước. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hầu hết doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch chủ yếu tới từ khu vực ngoài nhà nước. Chính họ đã thu hút lực lượng lớn lao động trong những năm qua (năm 2016 tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người tại Hà Nội và các địa phương lân cận).
Với sinh viên mới ra trường, họ cần được cọ sát với kiến thức mới và năng động ngoài thị trường, trên cơ sở đó có thể lựa chọn nghề nghiệp cho mình về lâu dài.
Sinh viên ra trường nên làm việc ở đâu?
Nguyễn Thị Thu Huệ, một sinh viên ra trường đã được 6 tháng, đang làm việc tại một công ty liên doanh ở KCN Quang Châu (Bắc Giang) cho biết, ban đầu Huệ cũng sợ đi làm ở môi trường bên ngoài. Vì học ngành sư phạm nên bố mẹ muốn cô trở thành giáo viên ở một trường học nào đó, nhưng cô muốn thử thách bản thân ở một lĩnh vực mới.
“Ở cơ quan nhà nước có tính độ ổn định về công việc và thu nhập hơn doanh nghiệp ngoài. Làm liên doanh có nhiều yếu tố thách thức người trẻ như sự thích nghi, năng động, trình độ ứng biến, linh hoạt trong suy nghĩ... Đó là lý do tại sao nhiều sinh viên mới ra trường không muốn đi làm ở bên ngoài và chờ đợi cơ hội vào biên chế ở một cơ quan nhà nhà nước nào đó”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thoa, Phó Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, người đã có thâm niên 15 năm đi làm ở khu vực ngoài quốc doanh chia sẻ: “Khi ra trường, tôi cũng có nhiều cơ hội vào nhà nước. Nhiều bạn cùng trang lứa tốt nghiệp đại học rồi vào nhà nước và có công việc, cuộc sống ổn định trong một cơ quan nào đó. Hiện tôi cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm. Mỗi năm trôi qua, tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, làm cho mình vững vàng và tự tin hơn. Đó chính là lý do tôi muốn ở lại khu vực ngoài nhà nước”.
Theo chị Ngọc Thoa, các bạn sinh viên mới ra trường nên chấp nhận đương đầu với thử thách thì sẽ có cơ hội tồn tại vững vàng hơn trong tương lai. Chị cũng cho rằng, sinh viên vào nhà nước thường bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của bố mẹ. Nhiều phụ huynh muốn tìm cho con một công việc ổn định để họ yên tâm về con cái, thậm chí làm nghề “cha truyền con nối”.
Ngược lại, nhiều người muốn con cái phải tự lập và có khả năng trụ vững trong xã hội. Nếu bố mẹ luôn ôm ấp con, lo lắng cho con mọi thứ kể cả công việc, nghề nghiệp, thậm chí quyết định hộ con sẽ khiến các bạn trẻ không năng động và khó thích ứng được với sự thay đổi.
Về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên hiện nay, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Tôi mong muốn tất cả các bạn sinh viên tiếp cận với những tư duy mới. Việc làm không có nghĩa là cứ phải đứng trong cơ quan nhà nước hay đứng trong công xưởng, nhà máy. Quan trọng hơn hết, mỗi người hãy tìm cho mình những công việc, việc làm chính đáng, có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình, phát triển xã hội”./.
Theo VOV
Content is updating...
INSTITUTE FOR BRAND AND COMPETITIVENESS STRATEGY
Address: 3rd Floor, Block C, La Thanh Hotel, 218 Doi Can Str, Ba Dinh Dist,Hanoi
Phone: (+84)24 62 9191 37 - Email: info@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI