Vì sao hàng triệu người phản đối ông Trump?

Vì sao hàng triệu người phản đối ông Trump?

Hơn 1 triệu người cuối tuần qua tuần hành trên các đường phố khắp nước Mỹ và nhiều thành phố khác trên thế giới để biểu lộ sự bất bình đối với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Hàng triệu phụ nữ xuống đường phản đối tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người phụ nữ đeo kính giơ tấm biển viết: “Không thù hận, không phân biệt chủng tộc, không Trump”. Ảnh: NBC

 

Hàng triệu phụ nữ xuống đường phản đối tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người phụ nữ đeo kính giơ tấm biển viết: “Không thù hận, không phân biệt chủng tộc, không Trump”. Ảnh: NBC

Phong trào Tuần hành của Phụ nữ tập hợp cả các nghị sĩ Mỹ, nữ diễn viên nổi tiếng thế giới và người già như bà Joanne Gascoyne, một giáo viên nghỉ hưu 78 tuổi gốc Albania đang sống ở thành phố New York.

Người biểu tình xuống phố vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề nhập cư, chăm sóc y tế hoặc vì cảm giác chung là không thích ông Trump. Nhưng hầu hết đều nói rằng, họ muốn thể hiện sự ủng hộ đối với phụ nữ và lo lắng sẽ có những cuộc tấn công vào quyền của phụ nữ dưới thời ông Trump làm tổng thống. Reuters dẫn lời bà Pam Foyster, sống ở bang Colorado, nói rằng, không khí ở Washington khiến bà nhớ lại những cuộc biểu tình lớn trong những năm 1960 và 1970 để phản đối chiến tranh ở Việt Nam và đòi các quyền cho người dân, cho phụ nữ. Phong trào biểu tình do phụ nữ đứng đầu để phản đối ông Trump cũng diễn ra ở Sydney, London, Tokyo và nhiều thành phố khác ở châu Âu, châu Á.

Các nhà tài trợ nói rằng, có khoảng 670 cuộc tuần hành khắp thế giới để thể hiện sự đoàn kết với phong trào ở Washington. Con số đăng ký qua mạng là 4,6 triệu người tham gia tuần hành, nhưng số liệu này không thể được kiểm chứng độc lập, Reuters đưa tin.

Giới ngoại giao lo ông Trump quá chú trọng đối nội

Bài phát biểu đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ khiến nhiều nhà ngoại giao thất vọng, thận trọng hoặc hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Bài phát biểu ngắn của Tổng thống Donald Trump sau lễ tuyên thệ không đề cập chính sách cụ thể, nhưng nhấn mạnh một lần nữa những vấn đề ông đã nói đến trong lúc vận động tranh cử. Đó là chủ nghĩa bảo hộ, là sự hoài nghi thương mại và chủ nghĩa “Mỹ là trước nhất”. Giọng điệu và nội dung bài phát biểu khiến một số nhà ngoại giao thất vọng, dẫn đến một cuộc họp khẩn cấp ở Canada, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, CNN đưa tin.

Một số người cho rằng, vẫn cần chờ xem sẽ có những hành động thực tế nào đằng sau những câu chữ hùng hồn của tân tổng thống Mỹ, trong khi nhiều nhà ngoại giao và các bài bình luận chú ý một điều mà ông Trump không nhắc đến - vai trò dẫn dắt của Mỹ trong cộng đồng quốc tế. “Thông điệp là ‘Nước Mỹ trước hết và những người khác không quan trọng’. Tư tưởng đó không chỉ gây thiệt hại cho thế giới mà còn không tốt cho nước Mỹ”, CNN dẫn lời một nhà ngoại giao Ảrập. Một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, bài phát biểu của ông Trump được hiểu là “Mỹ là trên hết và chúng tôi (Mỹ) sẽ để ý đến thế giới nếu có thời gian”. Thông điệp này khiến nhiều người thất vọng, nhà ngoại giao phương Tây nói.

Nhiều quốc gia đã chính thức hoan nghênh tân tổng thống Mỹ và một số nước đã mời ông Trump sang thăm. Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã cho đăng lời mời ông Trump đến thăm, trong khi giới chức Anh cho biết Thủ tướng Teresa May tuần sau sẽ đến Washington gặp Tổng thống Mỹ để bàn về hàng loạt vấn đề hợp tác an ninh và tình báo song phương. Nga cho biết, Tổng thống Vladimir Putin sẽ gọi điện cho ông Trump trong vài ngày tới. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cuối tuần qua nói với kênh Channel One rằng, đó là “sự cần thiết về ngoại giao”, khi hai nước cần bàn nhiều vấn đề, bao gồm vấn đề giải trừ hạt nhân và Syria.

Bài phát biểu dài chưa đến 20 phút của ông Trump lướt qua những chủ đề mà mọi người đã được nghe nhiều trong mùa tranh cử năm 2016, nhưng có những thông điệp thẳng thừng hơn. Ông nói rằng, chủ nghĩa bảo hộ sẽ dẫn đến sức mạnh. Ông chỉ trích các nước khác khiến Mỹ suy thoái kinh tế. Ông nghi ngờ việc đầu tư vào các quan hệ đồng minh và vẽ ra một bức tranh u ám về đường biên giới yếu khiến Mỹ bị các nước khác tàn phá. Times of London, tờ báo tư tưởng bảo thủ thuộc sở hữu của ông Rupert Murdoch, bình luận rằng, Tổng thống Mỹ vẽ ra một bức tranh ảm đạm về “sự tàn phá nước Mỹ”.

Một vài nhà lãnh đạo đã nhanh chóng liên hệ để thiết lập quan hệ với chính quyền Mỹ mới, trong đó có Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Quốc gia giáp với Mỹ về phía nam luôn là tâm điểm chú ý của ông Trump. Ông đã tuyên bố sẽ xây một bức tường giữa hai nước và Mexico phải trả chi phí. Theo nội dung cuộc gọi của ông Nieto sáng 21/1, Mexico sẵn sàng làm việc theo chương trình có lợi cho cả hai nước, cũng như sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền và chia sẻ trách nhiệm. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng, ông Trump và ông Nieto “đã nói về một chuyến thăm về vấn đề thương mại, nhập cư và an ninh” vào ngày 31/1.

Mexico, Mỹ và Canada tham gia Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ. Trong tuyên bố đăng trên trang web của Nhà Trắng cuối tuần qua, ông Trump tuyên bố sẽ đơn phương rút khỏi hiệp định này nếu hai nước còn lại không đồng ý đàm phán lại.

Không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng gọi điện cho Tổng thống Trump hôm 21/1 để nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Canada - Mỹ và nhắc ông Trump rằng, 35 bang của Canada là điểm đến hàng đầu của hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ. Chính quyền mới của Tổng thống Trump tuyên bố rằng, chiến lược thương mại của họ nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho nước Mỹ sẽ bắt đầu với việc rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bên cạnh đó, nhiều nhà ngoại giao nói rằng, bài phát biểu của Tổng thống Trump khiến họ cực kỳ lo lắng về cam kết của Mỹ đối với các mạng lưới an ninh quốc tế và những tổ chức như NATO, đặc biệt sau khi ông khẳng định Mỹ đã “trợ cấp cho quân đội của các nước khác trong khi để xảy ra sự suy giảm rất buồn trong quân đội Mỹ”.

Ông Trump từng gọi NATO là “lỗi thời” và nghi ngờ liệu Mỹ có nên tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Giới nhà ngoại giao nói rằng, họ trông chờ bài phát biểu sẽ có thông điệp tái khẳng định những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh. Nhưng sau bài phát biểu của ông Trump, một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng, “chúng tôi ngạc nhiên” khi ông Trump đặt ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của mình là tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). “Nếu họ nghiêm túc về việc chống lại IS, việc đó sẽ diễn ra như thế nào?”, nhà ngoại giao nêu vấn đề.

“Vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ rất quan trọng và chúng tôi không nghe thấy điều đó trong bối cảnh quốc tế. Đó không phải bài phát biểu đối với thế giới hay thậm chí tất cả người dân Mỹ. Đó là một bài phát biểu tranh cử, dành cho những ai đã bỏ phiếu cho ông ấy, nó không đề cập gì đến vai trò lãnh đạo của Mỹ. Nói về nỗi sợ hãi và sự tàn phá không phải là bức tranh đẹp về những gì Mỹ sẽ làm trên thế giới”, CNN dẫn lời nhà ngoại giao phương Tây giấu tên.

Một nhà ngoại giao khác nói rằng, “sẽ rất khó” để làm việc với chính quyền Mỹ mới nếu chiến lược ông Trump vạch ra trong bài phát biểu sẽ trở thành hiện thực.

Theo Tiền phong

Related news

Content is updating...

Partners
Back To Top