Hãy quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu
Thực tế cho thấy, trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh giữa DN, giữa hàng hóa và dịch vụ đang hết sức gay gắt. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay còn chịu tác động hết sức mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh trong kỷ nguyên số đặt ra nhiều cơ hội cũng nhiều thách thức cho DNNVV. Tại Hội thảo “Chiến lược cạnh tranh cho DNNVV” chiều 16/1 do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, có 4 lý do khiến tỷ lệ DNNVV chiếm 95 - 98% tổng số DN. Trong đó, Việt Nam nhận thức được không có sự năng động và cạnh tranh cao của DNNVV thì nền kinh tế khó phát triển và vai trò của DNNVV quan trọng hơn các tập đoàn lớn nhiều, bởi nhờ có DNNVV mới có tinh thần khởi nghiệp. Do đó, Luật Hỗ trợ DNNVV chỉ là một phần chứ không phải là luật vạn năng cho DNNVV phát triển.
Dây chuyền sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Công Hùng |
|
Theo ông Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV bằng phát triển hàng hóa và dịch vụ mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế. Muốn vậy cần đào tạo nguồn nhân lực, nhận thức được các hoạt động khởi nghiệp, khởi sự trong kinh doanh là hết sức quan trọng bảo vệ được sự phát triển DNNVV.
Trong khi đó, PGS. TS Đỗ Đức Thịnh chỉ ra rằng, các DN khi tiến hành cạnh tranh bằng thương hiệu nên tìm hiểu xem nhu cầu của khách hàng là gì rồi cố gắng, nỗ lực tối đa đáp ứng nhu cầu đó, đừng dựa trên đối thủ làm gì thì sẽ giải được bài toán cạnh tranh. DNNVV phải nắm rõ mối quan hệ giữa sản phẩm và thương hiệu. Bởi thương hiệu là một phần của sản phẩm, và sản phẩm là một phần của thương hiệu, như giá trị tiềm ẩn.
Xây dựng nhiều vườn ươm khởi nghiệp
Hiện, kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với khu vực và thế giới, hệ quả của các hiệp định thương mại tự do đặt ra những cơ hội cùng những thách thức rất lớn, nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN Việt có nguy cơ thua trên sân nhà là rất cao.
Nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ vừa là nhu cầu cấp thiết, liên tục và lâu dài mà là nội dung sống còn của DN và nền kinh tế. Vì thế, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, môi trường kinh doanh hiện đã có tiến bộ, cần tạo điều kiện tối đa để các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các công ty lớn, tập đoàn kinh tế, những nhà hảo tâm góp vốn thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm; Ban hành chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhằm tạo ra nguồn lực cho DN mới ra đời, trong đó có DN khởi nghiệp. “Nên triển khai rộng khắp các tỉnh, thành vườn ươm DN trên cơ sở nhân rộng mô hình thành công đã được kiểm chứng để DNNVV có điều kiện thuận lợi biến ý tưởng, sáng kiến thành sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thị trường với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh” - ông Toàn đề xuất.
Đồng thời cho rằng, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, đây là giải pháp nhanh và hữu hiệu để các DNNVV có thể xây dựng thương hiệu của mình, cũng như cần có chính sách, giải pháp thông thoáng hơn khuyến khích sự dẫn dắt, lan toả của các DN lớn đã có thương hiệu, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tới các DNNVV…
Theo KTĐT